Bế mạc Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam- Campuchia- Lào lần thứ 7
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, ngày 19/7, Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam- Campuchia- Lào lần thứ 7 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành những nội dung chương trình đề ra.
Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam- Campuchia- Lào lần thứ 7 được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) với sự đồng chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình; Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia Chiv Keng; Chánh án TANDTC Lào Viêng Thoong Sỉ-Phăn-Đon.
Tham dự Hội nghị còn có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC và các lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án các tỉnh giáp biên của 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo 3 TAND cấp cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số lãnh đạo Tòa án địa phương khác.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các bên cùng tập trung thảo luận về 4 chủ đề quan trọng, gồm: Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Thông cáo chung Hội nghị lần thứ sáu năm 2022; Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử các tội phạm có yếu tố nước ngoài; Tăng cường tương trợ tư pháp giữa Tòa án 3 nước; Chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tư pháp, đặc biệt là một số điển hình, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án.
Theo đó, các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết vào 4 nội dung trọng tâm, bám sát 4 chủ đề của các phiên thảo luận nêu trên gắn với tầm nhìn, sứ mệnh của hệ thống Tòa án mỗi nước.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Văn Du thay mặt TANDTC Việt Nam, trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Tòa án các nước đóng góp vào sự thành công của Hội nghị lần này.
Hội nghị đánh giá cao và biểu dương kết quả tích cực trong quá trình thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị lần thứ 6. Việc thực hiện hiệu quả Thông cáo chung đem lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho hệ thống Tòa án cả 3 nước, đồng thời khẳng định tính cấp thiết, quan trọng của cơ chế hợp tác tư pháp 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam, đặc biệt đối với các Tòa án cấp tỉnh khu vực biên giới.
Các kinh nghiệm chuyên môn (xét xử tội phạm xuyên biên giới gắn với công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, xử lý tranh chấp dân sự, hoạt động tương trợ tư pháp,…) được chia sẻ, thảo luận chủ động, thẳng thắn; Nhiều sáng kiến mang tính thực tiễn cao. Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Tòa án 3 nước đã có những phiên thảo luận sôi nổi về giải pháp nâng cao chất lượng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tương trợ tư pháp và cải cách tư pháp.
Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao các sáng kiến, đặc biệt trong việc khắc phục khó khăn đối với hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp, thực hiện ủy thác tư pháp, điều tra xác minh. Ngoài ra, một số kinh nghiệm, bài học trong công tác xét xử cũng mang nhiều lợi ích thiết thực, tạo cơ hội cho mỗi cán bộ tư pháp, đặc biệt là các Thẩm phán ở cả ba nước nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Tại Phiên họp số 4 với nội dung xoay quanh công tác chuyển đổi số trong Tòa án, đặc biệt việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ nghiên cứu hồ sơ và xét xử được các đại biểu đón nhận, đánh giá cao và dành nhiều sự quan tâm.
Một trong những chủ đề mới thu hút sự quan tâm của các đại biểu là hệ thống TAND Việt Nam đã áp dụng thành công trợ lý ảo (AI) vào quá trình hỗ trợ, giúp Thẩm phán nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. TAND Việt Nam cũng ghi nhận thêm những ý kiến đóng góp từ phía các bạn đồng nghiệp và sẽ tiếp tục cập nhật thêm kết quả, hiệu quả trong các hoạt động hợp tác trong tương lai.
“Những kết quả tích cực nói trên đem lại cho chúng ta niềm tin về sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá thực tế, thẳng thắn nhìn nhận rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu, vẫn còn khiêm tốn so với mong muốn của chúng ta và chưa đáp ứng được với yêu cầu, đòi hỏi của thời đại. Vì vậy, với cá nhân tôi nói riêng và những người đồng nghiệp, cộng sự cùng cấp nói chung đều mong muốn Tòa án các tỉnh biên giới chủ động hơn nữa, xây dựng kế hoạch hoạt động thiết thực, cụ thể hơn, trong đó tập trung “khơi thông” luồng thông tin, tiếp tục phát huy cơ chế Tổ công tác thường trực, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xét xử, đặc biệt là đối với những vụ án hình sự phức tạp, yêu cầu thông tin cụ thể, kịp thời. Điều này cũng đã được hệ thống Tòa án ở cả 3 nước thống nhất, nhận định trong bản Thông cáo chung”, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Văn Du chia sẻ.
Về phần mình, TANDTC Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện những nội dung đã được ghi nhận trong bản Thông cáo chung của Hội nghị cũng như Bản thỏa thuận hợp tác mà TANDTC Việt Nam đã ký với TANDTC Lào và Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia, khuyến khích các Tòa án địa phương của 3 nước tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự hợp tác và tình đoàn kết, hữu nghị.
Với sự đồng thuận, nhất trí cao và ký kết thành công Thông cáo chung, Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới lần thứ 7 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Thay mặt TANDTC Việt Nam, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, nỗ lực và đóng góp từ phía Đoàn đại biểu TANDTC Lào và TATC Campuchia. Đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng với nền tảng truyền thống hợp tác lâu đời của Đảng, Nhà nước và nhân dân 3 nước, Tòa án sẽ hoàn thành xuất sắc hơn nữa vai trò “bảo vệ công lý, bảo vệ người dân”, đem tinh thần “thượng tôn pháp luật” lan tỏa sâu rộng hơn nữa, góp phần gìn giữ an ninh - xã hội của các tỉnh biên giới gắn với lợi ích cao nhất của mỗi quốc gia, dân tộc.