Những kết quả nổi bật của hợp tác Tòa án 3 nước Việt Nam-Campuchia-Lào
Trong khuôn khổ Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia- Lào lần thứ 7 diễn ra tại Quảng Nam, Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Việt Nam đã điểm lại một số kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những “điểm nghẽn” cần sự phối hợp của Tòa án 3 nước tháo gỡ để tăng cường quan hệ hợp tác trong tương lai.
Tội phạm ma túy đã có chiều hướng giảm
Báo cáo kết quả thực hiện thông cáo chung của Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam- Campuchia- Lào lần thứ 6 năm 2022 đánh giá giai đoạn từ năm 2022 đến nay, thế giới nói chung và khu vực Đông Dương - ASEAN nói riêng đã chứng kiến nhiều sự biến động, với nhiều khó khăn, thách thức nảy sinh. Cạnh tranh chiến lược gay gắt kéo theo tình hình chính trị, xã hội ngày càng phức tạp, xuất hiện các thủ đoạn vi phạm pháp luật tinh vi, phạm vi phạm tội mở rộng liên quốc gia.
Vì vậy, việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa của hệ thống tư pháp 3 nước, đứng đầu là Tòa án tối cao tại mỗi quốc gia trở thành vấn đề cấp thiết hơn cả. Sáng kiến Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ra đời trong bối cảnh đó và đã phát huy hiệu quả qua 6 bản Thông cáo chung.
Trong quá trình thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị lần thứ 6 vừa qua, kết quả đã đạt được phải kể đến đó là tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã có chiều hướng giảm. Có thể nói, đây vẫn là vấn đề nóng và nan giải diễn ra dọc biên giới 3 nước. Loại tội phạm này có nhiều diễn biến mới với tính chất, quy mô phức tạp, xuất hiện một số đường dây ma túy lớn xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và liều lĩnh (một số điểm nóng như Nghệ An - Xiêng Khoảng; Sơn La - Hủa Phăn,...).
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Tòa án 3 nước trong đấu tranh, tăng cường hợp tác tư pháp, trao đổi thông tin, trong 2 năm vừa qua, số lượng vụ án giảm đáng kể.
Theo số liệu TAND hai cấp của Việt Nam cho thấy 9/19 TAND tỉnh (Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thanh Hóa) đã thụ lý, xét xử 50 vụ án hình sự về các tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, (giảm gần 43% so với kỳ báo cáo tại Hội nghị lần thứ 6 năm 2022), trong đó chủ yếu bị cáo là công dân Lào (77 bị cáo, giảm 11 bị cáo so với kỳ báo cáo tại Hội nghị trước); 12 bị cáo là công dân Campuchia (giảm 10 bị cáo).
Các tội phạm xuyên biên giới khác có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, chỉ có 3/19 TAND tỉnh (An Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh) thụ lý vụ việc, chủ yếu là xuất/nhập cảnh trái phép qua biên giới, buôn lậu.
Các vụ án hình sự có tính chất xuyên biên giới đều được các Tòa án đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, với các mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Kết quả xét xử các vụ án hình sự nêu trên đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại tuyến biên giới chung Việt Nam - Campuchia - Lào.
Theo số liệu báo cáo của Tòa án nhân dân hai cấp Việt Nam, từ giai đoạn tháng 8/2022 đến nay, số lượng vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài liên quan đến các nước bạn Lào, Campuchia tiếp tục giảm mạnh. Chỉ có 03/19 TAND cấp tỉnh (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Đồng Tháp) thụ lý, giải quyết loại vụ việc nói trên, chủ yếu là ly hôn và tranh chấp dân sự. Công tác xét xử, giải quyết các vụ án này đều được tiến hành kịp thời, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Một trong những yếu tố chính để đạt được kết quả này là sự tăng cường giáo dục pháp luật, đặc biệt là sự chủ động trao đổi, phổ biến pháp luật cho người dân địa phương đã bắt đầu đi vào chiều sâu, có tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, với xu hướng hội nhập kinh tế sâu rộng của các nước khu vực ASEAN nói chung và tam giác phát triển Việt Nam – Campuchia - Lào nói riêng, rủi ro về tranh chấp dân sự vẫn tiềm ẩn.
Vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ của Tòa án ba nước để giải quyết hiệu quả các tranh chấp xuyên quốc gia trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại cần tiếp tục được ưu tiên thực hiện vì nó sẽ có tác động tích cực đối với tiến trình hội nhập quốc tế của mỗi nước.
Các TAND cấp tỉnh giáp biên giới của Việt Nam đã chủ động xây dựng và triển khai trao đổi đoàn sôi nổi, ghi nhận hiệu quả hoạt động cao với các kinh nghiệm, bài học thực tiễn thiết thực. Tổng số, đã có hơn 16 đoàn trao đổi, giao lưu được tổ chức.
Cụ thể: Với Campuchia, trung bình mỗi năm có hơn 10 Đoàn đại biểu Tòa án các tỉnh của Campuchia sang thăm và làm việc với TAND các tỉnh của Việt Nam và ngược lại, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã có 3 Đoàn trao đổi được tổ chức. Với Lào, đã có 6 đoàn công tác cấp địa phương thực hiện trao đổi công tác với các TAND cấp tỉnh giáp biên giới của Việt Nam.
Ở cấp trung ương, đã có 1 đoàn cấp trung ương, do Lãnh đạo TANDTC Lào dẫn đầu sang thăm và làm việc với Việt Nam. Đã có 19/19 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, giữa TAND cấp tỉnh của Việt Nam và các Tòa án cấp tỉnh của Lào, Campuchia có chung đường biên giới.
Quá trình thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam- Campuchia- Lào lần thứ 6 năm 2022 đã có những thuận lợi đáng kể, như mối quan hệ hợp tác giữa hệ thống Tòa án 3 nước được xây dựng dựa trên nền tảng mối quan hệ láng giềng gần gũi, hợp tác truyền thống lâu đời được chứng minh qua chiều dài lịch sử. Mối quan hệ hợp tác này ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân 3 nước đặc biệt quan tâm và dày công vun đắp.
Lãnh đạo Tòa án các cấp của 3 nước, đặc biệt là Chánh án Tòa án tối cao 3 nước đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao, nhất quán về quan điểm chỉ đạo.
Sự phối hợp, nỗ lực của cơ quan thường trực, đầu mối tại mỗi nước trong việc không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện về chủ đề và nội dung hợp tác của ba bên, trong quá trình triển khai cụ thể.
Phối hợp tháo gỡ “điểm nghẽn”
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị lần thứ 6, hệ thống Tòa án Việt Nam nhận thấy còn một số tồn tại chung vẫn là “điểm nghẽn” cần sự phối hợp, chủ động hơn nữa giữa hệ thống Tòa án 3 nước trong thời gian tới để tháo gỡ.
Các tồn tại ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động hợp tác phải kể đến đó là hạn chế về rào cản ngôn ngữ, hiểu biết pháp luật nước đối tác, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất.
Đối với xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, công tác tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp còn gặp nhiều khó khăn nên TAND tỉnh của Việt Nam không thể triệu tập được công dân liên quan đến vụ án/người có liên quan để làm rõ tình tiết, nên khi xét xử đa số chỉ xét xử những người trực tiếp thực hiện, thực hành (làm thuê) và bị bắt quả tang; không xử lý được đối với người chủ mưu, đứng đầu, vì vậy chưa thể triệt phá, xóa sạch được các đường dây phạm tội xuyên quốc gia.
Đối với thụ lý, xét xử các vụ án dân sự (tranh chấp hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, ly hôn …): Việc thực hiện tống đạt giấy tờ tư pháp, hay phối hợp điều tra xác minh, thu thập chứng cứ cũng gặp nhiều khó khăn, bởi các đương sự đang sinh sống tại khu vực biên giới không hợp tác. Ngoài ra, việc phối hợp đa ngành và tống đạt văn bản qua đường ngoại giao khiến thời gian xử lý bị kéo dài, chậm trễ, dẫn tới một số vụ án cá biệt còn tồn đọng, khó xử lý dứt điểm.
Đối với công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân tại khu vực biên giới nói chung và quản lý, giáo dục người phạm tội sau khi xét xử nói riêng vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hầu hết dân cư sinh sống tại khu vực biên giới 3 nước là người dân tộc thiểu số, hạn chế về kiến thức pháp luật, chưa nhận thức được hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Để Tòa án mỗi nước phát huy tối đa vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo đảm quyền, lợi ích người dân, đồng thời thắt chặt thêm tình hữu nghị láng giềng, tin cậy, thời gian tới cần đặt ra những hoạt động ưu tiên triển khai.
Cụ thể, cần tập trung thúc đẩy hơn nữa tống đạt giấy tờ tố tụng, tương trợ tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ, công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài… Trước mắt, tiếp tục thực hiện và nhân rộng những cách làm hiệu quả hiện nay, như: cơ chế hợp tác chia sẻ thông tin, tống đạt tư pháp mà một số Tòa án cấp tỉnh đang thực hiện.
Tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác ở cả cấp trung ương và địa phương, đưa các quan hệ hợp tác này thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Ở cấp trung ương, nội dung hợp tác có thể tập trung vào những vấn đề vĩ mô, như: thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật ở cả ba nước về công tác tương trợ tư pháp; xây dựng Tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cả công tác hỗ trợ chuyên môn lẫn quản lý hoạt động của Tòa án.
Ở cấp địa phương, các bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xét xử, giải quyết các vụ án, những thực tiễn tốt giúp tăng cường hiệu quả công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện địa phương.
Rà soát, phát hiện, phổ biến và nhân rộng những mô hình, cơ chế, hoạt động hợp tác hiệu quả, cùng nhau chia sẻ bài học kinh nghiệm, tìm ra cách làm tốt để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. TANDTC Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian qua.
Cần nghiên cứu, đổi mới hình thức các hoạt động hợp tác, đưa các hoạt động này đi vào chiều sâu. Một trong những phương pháp đó là tăng cường trao đổi đào tạo chéo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, cán bộ Tòa án khu vực biên giới ba nước về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội nghị, để đảm bảo hiệu quả hoạt động thường xuyên, lâu dài, mang tính chiến lược, cần xem xét tiếp tục đổi mới, nâng cao phương thức vận hành của Tổ Thường trực tại Tòa án cả 3 nước. Như chia sẻ thông tin hiệu quả qua thư điện tử, định kỳ tổ chức họp Tổ Thường trực (trực tiếp hoặc trực tuyến), cơ quan giúp việc của Tổ Thường trực đặt tại cơ quan hợp tác quốc tế có thể áp dụng, nghiên cứu triển khai.
Có thể thấy rằng, mặc dù kết quả hợp tác mà Tòa án các cấp của cả 3 nước cùng nhau đạt được cho đến nay rất đáng ghi nhận, nhưng tiềm năng và nhu cầu hợp tác vẫn còn rất lớn. Với lý do đó, tin tưởng rằng trong Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia- Lào lần thứ 7 này sẽ tiếp tục được nghe những sáng kiến mới, những bài học kinh nghiệm tốt, phương pháp hay, làm tiền đề cho việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa 3 hệ thống Tòa án trong tương lai.