Đề xuất bổ sung phòng xét xử trực tuyến tại nhà tạm giữ, tạm giam
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú nhằm bảo đảm hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam. Trong đó, đề xuất bổ sung phòng xét xử trực tuyến tại nhà tạm giữ, tạm giam.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam...
Theo Bộ Công an, dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ sửa đổi cơ bản các quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thứ nhất, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, giải pháp thực hiện chính sách là bổ sung quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và áp dụng biện pháp giám sát điện tử để quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng.
Cụ thể: Quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ thi hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, theo dõi người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; quy định về việc lao động, học tập của người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; áp dụng biện pháp giám sát điện tử phòng ngừa người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành biện pháp giám sát điện tử.
Việc lựa chọn chính sách này sẽ khắc phục được toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay đối với công tác quản lý, giám sát thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và áp dụng các biện pháp để quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng, đồng thời làm giảm số lượng bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong các cơ sở giam giữ hiện nay, từ đó giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách Nhà nước.
Bổ sung phòng xét xử trực tuyến tại nhà tạm giữ, tạm giam
Dự thảo cũng đề xuất nhiều phương án, bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và sử dụng mô hình cơ sở giam giữ.
Theo đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định: Sửa đổi, bổ sung cơ cấu của nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hướng bổ sung thêm một số khu vực quan trọng tại các cơ sở giam giữ như phòng xét xử trực tuyến; trung tâm chỉ huy điều hành; trên cơ sở thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các bộ có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về các tiêu chuẩn ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý cơ sở giam giữ đảm bảo an toàn tuyệt đối; bổ sung quy định trên cơ sở thống nhất Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các bộ có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế và xây dựng các cơ sở giam giữ; bổ sung quy định về nguyên tắc: Cơ sở dữ liệu trong quản lý các cơ sở giam giữ phải đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Giải pháp này góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý giam giữ bền vững theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho mục tiêu bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giam giữ, tạo khuôn khổ pháp lý cho xây dựng và vận hành cơ sở giam giữ điện tử, phù hợp với xu hướng chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện hoạt động thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, tạm giam
Đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Theo đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định: Bổ sung thẩm quyền của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trong điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân; bổ sung quy định về thời hạn lập danh chỉ bản; bổ sung quy định khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần thực hiện hoạt động thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; bổ sung quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế; sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam: Bỏ quy định về trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ hoạt động thi hành án; bổ sung quy định về trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác giam giữ, tham gia thực hiện giao dịch dân sự; bổ sung quy định về việc áp giải, quản lý và kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất, trong đó đối với trường hợp thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác xét xử thì không giao cho cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất mà người này vẫn thuộc quản lý của cơ quan thực hiện nhiệm vụ áp giải.
Bổ sung quy định về chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã; sửa đổi, bổ sung về định lượng quà là đồ ăn, đồ uống của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi nhận quà của thân nhân; bổ sung quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (số lần được cấp báo); sửa đổi, bổ sung chế độ thăm gặp, tiếp xúc luật sư, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, bị tạm giam; sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; sửa đổi, bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án; bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu trong quản lý các cơ sở giam giữ
Giải pháp này góp phần hoàn thiện pháp luật về tạm giữ, tạm giam nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; nâng cao và quy định cụ thể hơn chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam, chế độ thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; chế độ khám chữa bệnh của người bị tạm giữ, người bị tạm giam…; hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam. Những sửa đổi, bổ sung này sẽ nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam trong thực tiễn.