Sức Khỏe

TP.HCM thuộc "top" có nguy cơ dịch sởi rất cao

Kim Sáng 14/07/2024 - 11:12

Hà Tĩnh, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang là 7 địa phương có nguy cơ dịch sởi rất cao.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả đánh giá gần đây nhất về nguy cơ dịch sởi tại 63 tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận, 7 tỉnh, thành có nguy cơ rất cao, gồm: Hà Tĩnh, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang.

7 tỉnh được đánh giá là có nguy cơ cao là: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương và Cà Mau. Ngoài ra, 9 tỉnh khác có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh nguy cơ thấp.

Hiện các đơn vị chuyên môn vẫn tiếp tục rà soát các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch sởi theo hướng của Bộ Y tế, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm hạn chế lây lan theo quy định.

Để kiểm soát nguy cơ bùng phát, Cục Y tế dự phòng dự kiến kế hoạch chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống sởi tại 14 tỉnh (miền Bắc 2 tỉnh, miền Nam 11 tỉnh, Tây Nguyên 1 tỉnh). Trong đó, 11/14 tỉnh nguy cơ cao và rất cao.

hinh-tc_71202411.jpg
TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII) cho trẻ em. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)

Liên quan đến công tác an toàn tiêm chủng, mới đây, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có công văn gửi các quận, huyện và TP. Thủ Đức đề nghị tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác này.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính hết ngày 30/6, các địa phương chỉ mới kiểm tra, đánh giá được 160/682 cơ sở (23,5%).

Trong đó, 17/22 quận, huyện đã triển khai đánh giá; 4 quận, huyện đã đánh giá trên 50% là huyện Bình Chánh (90,3%), quận Tân Phú (72%), quận Bình Thạnh (62,9%), quận Gò Vấp (51,5%). Còn 4 quận, huyện chưa kiểm tra là quận 6, quận 11, quận Bình Tân và huyện Nhà Bè.

Nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động tiêm chủng, Sở Y tế TP.HCM đề nghị phòng y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức chủ trì, phối hợp với trung tâm y tế trên địa bàn tiếp tục theo dõi danh sách cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn quản lý; tiếp tục kiểm tra, đánh giá công tác an toàn tiêm chủng đối với các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn theo kế hoạch.

soi-15-800x450.jpg
TP.HCM nằm trong "top" có nguy cơ dịch sởi rất cao. (Ảnh minh họa)

Đối với 4 địa phương: quận 6, quận 11, quận Bình Tân và huyện Nhà Bè, Sở Y tế yêu cầu khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo.

Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá hoạt động tiêm chủng tại các cơ sở trên địa bàn quản lý, đảm bảo tối thiểu mỗi cơ sở tiêm chủng được đánh giá tối thiểu 1 lần/năm. Ưu tiên kiểm tra, đánh giá những cơ sở chưa được kiểm tra, đánh giá và những cơ sở còn tồn tại để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

"Nếu phát hiện vi phạm về các điều kiện an toàn trong tiêm chủng, đoàn kiểm tra phải lập biên bản tạm ngừng hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện tiêm chủng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và báo cáo về Sở Y tế TP.HCM để công bố", Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo.

Bộ Y tế đang tìm nguồn vắc-xin để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin chứa thành phần sởi tại 14 tỉnh, thành. Trong đó, tại miền Bắc sẽ tiêm cho các trẻ 1-10 tuổi.

Miền Nam tiêm cho các trẻ trong độ tuổi khác nhau theo từng địa phương gồm các trẻ từ 6-10 tuổi, 9 tháng - 5 tuổi, 11 tháng - 7 tuổi và 3-10 tuổi.

Tại Tây Nguyên, tiêm cho nhóm trẻ từ 9 tháng - 5 tuổi.

Nhu cầu vắc xin cho tiêm chiến dịch cần khoảng 100.000 liều vắc-xin sởi và 1,58 triệu liều vắc-xin phối hợp sởi - rubella.

Kim Sáng