Khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI
Tối 11/7, tại Nhà hát Lam Sơn (TP. Thanh Hóa) đã diễn ra chương trình khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, năm 2024.
Tham dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XVI; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản.
Về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Cùng tham dự còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, vụ trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các quân khu, quân đoàn, quân chủng trong lực lượng vũ trang nhân dân; các vị khách mời quốc tế, các nhà tài trợ và đặc biệt là gần 1.000 nhà báo của các đài phát thanh - truyền hình, trung tâm truyền thông trên cả nước cùng các đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Với chủ đề “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số”, Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2024 xác định, chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ chuyển đổi về công nghệ, về cách làm, mà quan trọng hơn, đó là chuyển đổi về mặt tư duy, nhận thức, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí.
Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới.
Tham gia Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần này có sự tham gia của 81 đơn vị với 380 tác phẩm dự thi thuộc 6 thể loại: Phóng sự, chương trình chuyên đề, phỏng vấn, chương trình phát thanh tiếng dân tộc, câu chuyện truyền thanh, chương trình phát thanh trực tiếp.
Đặc biệt, Liên hoan năm nay có sự tăng mạnh của chương trình phát thanh trực tiếp với số lượng lên tới 37 đơn vị tham gia (năm 2022 có 29 đơn vị).
Các tác phẩm dự thi Liên hoan được Ban tổ chức đánh giá là có sự đồng đều về chất lượng, các đề tài đều đúng, trúng và mang tính thời sự, dàn dựng công phu và có nhiều đổi mới, sáng tạo.
Năm nay cũng là năm đầu tiên hạng mục podcast được đưa vào Liên hoan Phát thanh để trao thưởng, với mong muốn khích lệ sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Sau vòng sơ khảo được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang, Ban Giám khảo đã lựa chọn 228 tác phẩm của 81 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, cụ thể: 53 tác phẩm thuộc thể loại phóng sự; 28 tác phẩm thuộc thể loại phỏng vấn; 30 Câu chuyện truyền thanh; 48 Chuyên đề phát thanh; 32 Chương trình phát thanh tiếng dân tộc và 37 Chương trình phát thanh trực tiếp.
Phát biểu chào mừng, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vinh dự khi được Đài tiếng nói Việt Nam tin tưởng lựa chọn là nơi tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 16, năm 2024 - Ngày hội lớn của những người làm báo phát thanh cả nước.
Đồng thời, Chủ tịch UNBD tỉnh Thanh Hóa mong rằng, trong những ngày đến với Thanh Hóa, các đoàn tham dự liên hoan sẽ có nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm đẹp; và chúc Liên hoan thành công tốt đẹp, chúc Đài tiếng nói Việt Nam tiếp tục phát triển, ngày càng khẳng định là kênh thông tin hết sức quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa…
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhiệt liệt chúc mừng những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, văn nghệ sỹ và người lao động đang công tác trong ngành phát thanh nhân ngày hội lớn của ngành; đặc biệt, xin chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đã xuất sắc lọt vào Vòng Chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, năm 2024.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự rộng mở của không gian truyền thông, sự gia tăng các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông mới; với dòng thông tin có tính thời sự cao, kịp thời, chính xác, giàu tri thức, văn hóa, thấm đẫm hơi thở của đời sống; với các chương trình phong phú, đa dạng, sáng tạo; với phạm vi phủ sóng rộng, dễ tiếp cận,... ngành phát thanh ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, kênh thông tin chủ lực, tiên phong, dẫn dắt, định hướng dư luận; là diễn đàn tin cậy để nhân dân tham gia giám sát, phản biện, quản lý xã hội; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn và tin tưởng, các ngành phát thanh sẽ luôn làm tốt lời Bác Hồ dạy: “Làm Báo nói thì phải chú ý viết như thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua lại hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo”. Cùng với các loại hình báo chí, Phát thanh sẽ luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với sự kỳ vọng và tin yêu của nhân dân.
Phát biểu tại đêm khai mạc, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI nghiêm túc tiếp thu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm phát huy truyền thống, xây dựng ngành phát thanh Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm, giúp Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam trong thời gian qua.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, cũng là dịp để những người làm phát thanh trong cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất cao quý của người làm báo; là diễn đàn để chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, nắm bắt các xu hướng mới của phát thanh hiện đại, trao đổi về những phương thức tiếp cận khán giả, cũng như tìm hướng đi cho các mô hình kinh tế báo chí, trong đó có phát thanh, một cách hiệu quả và bền vững hơn.