Nâng bước hoàn lương
Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 17/10/2016
Giáo dục pháp luật và giáo dục công dân
Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vào thứ 7 hàng tuần, các phạm nhân đều được giáo dục pháp luật, giáo dục công dân. Đây là hoạt động thường xuyên của Trại nhằm giúp phạm nhân nâng cao nhận thức về pháp luật, về đạo đức, lối sống.
Theo thượng tá Nhân, học sinh gồm những lứa tuổi không giống nhau, hành vi phạm tội không giống nhau và nhận thức cũng không tương đồng. Chính vì vậy, giáo viên khá vất vả trong việc truyền đạt nội dung giảng dạy cho học sinh. Ngoài nội dung giáo án được quy định, cán bộ quản giáo luôn đưa ra các tình huống để phạm nhân có cách nhìn nhận, tiếp thu và phản biện ở những khía cạnh khác nhau. Từ đó, phạm nhân dễ dàng ghi nhớ những quy định của pháp luật và cách ứng xử khi xảy ra tình huống cụ thể.
Phạm nhân Nguyễn Th. (SN 1990, phường Minh An, TP. Hội An) cho biết, khi bị bắt vì hành vi phạm tội, Th. cứ nghĩ vào Trại là ngày đêm đối diện với 4 bức tường lạnh lẽo. Sau khi vào Trại, Th. mới biết rằng, nơi đây không hề giam cầm mà ngược lại còn mở mang kiến thức cho Th. “Tôi được cán bộ giảng giải về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến phạm nhân và tái hòa nhập cộng đồng, về quyền và nghĩa vụ của công dân, về các chuẩn mực xã hội, kỹ năng sống... Không những được bồi dưỡng kiến thức, tôi còn được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ và được cán bộ động viên để hoàn lương, làm lại cuộc đời”, Th. tâm sự.
Dạy nghề
Khi chúng tôi có mặt tại Trại Tạm giam công an tỉnh Quảng Nam là lúc phạm nhân nơi đây đang say sưa thực hành trộn vữa, xây gạch, trát tường... Thượng tá Nhân cho hay, lớp học “Nề hoàn thiện” này do Trại Tạm giam phối hợp với Trung tâm dạy nghề thanh niên tỉnh tổ chức, diễn ra trong 3 tháng với 300 tiết học. Tham gia lớp học, phạm nhân được cung cấp những kiến thức như: kỹ thuật làm móng, láng nền, kỹ thuật ốp, lát gạch men... Định kỳ, sẽ có các bài kiểm tra theo đúng chương trình học. Sau khóa học, ban tổ chức sẽ đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên.
Nói về kết quả lớp học, anh Bùi Thế Đạt, cán bộ Trung tâm dạy nghề thanh niên tỉnh, giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho các học viên chia sẻ, phần lớn các phạm nhân đã thực hiện được các công việc của nghề nề hoàn thiện. Trong quá trình học, nhiều học viên tỏ ra say sưa và đặt câu hỏi, tìm tòi về kỹ thuật xây nhà.
Phạm nhân Trần Bảo Nh. (SN 1992, Quế Thọ, Hiệp Đức) phấn khởi nói: “Khi mới học, em thấy rất khó, nhất là việc láng nền. Bây giờ em đã có thể tô tượng, láng nền và lát gạch men. Sau khi ra trại, em sẽ xin làm thợ xây...”
Tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù
Đại tá Doãn Bá Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay trong thời gian chấp hành án tại Trại Tạm giam, 100% số phạm nhân đã được đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp và kỹ năng tìm kiếm việc làm để tái hòa nhập cộng đồng sau khi CHXAPT về địa phương.
Dạy nghề nhằm giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
Sau khi người CHXAPT trở về, Công an các huyện, thành phố trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn họ đến UBND cấp xã trình diện, yêu cầu ký cam kết không tái phạm tội trở lại. UBND cấp xã tiếp nhận người CHXAPT, phân công người quản lý, giúp đỡ họ. Người được giao nhiệm vụ này sẽ thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu UBND cấp xã có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho người CHXAPT ổn định cuộc sống.
Từ năm 2002 đến nay, tòa tỉnh Quảng Nam có 6.718 người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) chưa được xóa án tích và đang cư trú trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Đề án “Đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020”, trong những năm qua, các địa phương đều đã xây dựng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”. Hoạt động của mô hình này tập trung vào hai nội dung chủ yếu là công tác quản lý, giáo dục và công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho người CHXAPT trở về địa phương.
UBND huyện Đại Lộc cho biết, thực hiện đề án tái hòa nhập cộng đồng, UBND huyện đã chỉ đạo các Hội, đoàn thể, cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạo việc làm cho 100 người CHXAPT. Ngoài ra, có 6 người CHXAPT được vay vốn phát triển kinh tế, 1 người CHXAPT được xóa nhà tạm.
Còn tại huyện Thăng Bình, anh Trần Công Tân, Trưởng Công an xã Bình Minh rất đỗi vui mừng khi kể về những người CHXAPT tiến bộ ở địa phương. Theo lời anh Tân, năm 2012, V.V.N (SN 1991) can tội cướp tài sản. Sau thời gian chấp hành án, N. hoàn lương bằng nghê buôn bán mực biển. Ban đầu, chỉ là “buôn thúng bán bưng”. Sau đó, xã giới thiệu N. vay vốn ngân hàng chính sách (nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho vùng khó khăn). Từ đó, N. phát triển thành kho đông lạnh và hiện nay anh đã có vợ con hạnh phúc.
Một người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng khác mà anh Tân đã kể với chúng tôi là N.V.L (SN 1988). Trước đây, L. thường xuyên cờ bạc, đánh nhau gây mất ANTT ở địa phương. Để phòng ngừa L. tái phạm, anh Tân đã tham mưu UBND xã tạo điều kiện cho L. giữ xe tại bãi tắm Bình Minh. Từ khi có công ăn việc làm ổn định, L. đã tiến bộ rõ rệt và hiện nay đã lập gia đình hạnh phúc.
Việc hỗ trợ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Đây là công tác vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Làm tốt điều này sẽ là giải pháp quan trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.