Phê duyệt quy hoạch di tích Hội thề Lũng Nhai
Ngày 11/7, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.
Hội thề Lũng Nhai tại đồi Bái Chanh trên khu vực núi Pù Me, thuộc làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược do anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo. Hội thề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã mở đầu cho những thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược, giành lại giang sơn đất nước.
Theo các nhà nghiên cứu, Hội thề Lũng Nhai được diễn ra vào một ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416). Lê Lợi cùng 18 người thân tín nhất đã đến làng Lũng Nhai (thuộc hương Lam Sơn xưa, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân). Hội thề được diễn ra trang nghiêm, được đất trời chứng giám và lưu truyền cho đến ngày nay.
Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dòng chảy lịch sử như vậy, nhưng do nhiều yếu tố mà di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai chưa được đầu tư bài bản. Người dân trong khu vực nhiều năm đề xuất các cấp, chính quyền địa phương sớm xem xét đầu tư để biến nơi đây thành địa điểm giáo dục lòng yêu nước, điểm du lịch hấp dẫn.
Theo đó, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch (gọi tắt là quy hoạch di tích) có quy mô 73,43ha. Trong đó, diện tích khu vực bảo vệ (I và II) di tích địa điểm Hội thề Lũng Nhai là 30,12ha; diện tích kiến nghị bổ sung khu vực bảo vệ (I và II) đối với miếu Phụng Dưỡng, khu mộ Mường là 1,9ha; khu vực phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái là 41,41ha.
Di tích chia làm 2 khu vực: Khu vực di tích và khu vực phát huy giá trị di tích. Trong đó, khu vực phát huy giá trị di tích tại địa điểm Hội thề Lũng Nhai sẽ bao gồm một số phân khu chức năng như: Khu đón tiếp - dịch vụ di tích (bố trí bãi đỗ xe, nhà dịch vụ, nhà vệ sinh công cộng, nhà quản lý - đón tiếp.
Các công trình có quy mô phù hợp với không gian di tích, kiến trúc kiểu dân tộc địa phương); khu đón tiếp - dịch vụ sinh thái (phục vụ khu cảnh quan sinh thái thác bảy tầng, gồm các công trình phục vụ cáp treo, dịch vụ du lịch); du lịch sinh thái rừng và thác bảy tầng (giữ nguyên trạng hệ thống cây xanh có giá trị, trồng bổ sung các loại cây địa phương để tạo cảnh dọc tuyến tham quan...); khu lưu trú homestay (nhà dân tộc Mường, dân tộc Thái, có trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch)...
Theo quy hoạch, sẽ hình thành 2 tuyến du lịch gồm: Tuyến du lịch chủ đề (liên kết với Khu Di tích Lam Kinh tạo thành chuỗi du lịch chủ đề về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn); tuyến du lịch liên huyện (Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, hồ thủy điện, đền thờ Cầm Bá Thước, đền Bà Chúa Thượng ngàn... và các lễ hội truyền thống).
Việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và văn hóa địa phương; tôn vinh công lao to lớn của nghĩa quân Lam Sơn...
Cùng với đó, góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, tạo ra một điểm đến du lịch cho huyện Thường Xuân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Đây cũng là cơ sở để huyện xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, bảo tồn di tích, sớm đưa nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh.
Đặc biệt, việc quy hoạch sẽ giúp địa phương thiết lập mối quan hệ với các điểm du lịch trong vùng, tạo mối quan hệ tương hỗ nhằm phát triển du lịch bền vững trong tương lai.