Viết tiếp ước mơ từ “đôi tay” ống nhựa

Đời sống - Ngày đăng : 10:58, 15/10/2016

Vụ nổ mìn đã làm Hiếu mất đi đôi tay. Dù gặp vô vàn khó khăn nhưng cậu bé vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Và đặc biệt, em đã tiếp tục việc học và nuôi dưỡng ước mơ thành họa sĩ bằng “bàn tay” ống nhựa của mình.

Một ngày cuối tháng 11/2013, Phan Trọng Hiếu (SN 2002, trú TT.Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cùng 2 bạn là Phan Văn Phú (SN 2002) và Ngô Văn Phú (SN 2000) rủ nhau đưa bò lên triền đồi A37 (thuộc thị trấn Ái Nghĩa) để chăn.

Tại đây, 3 em nhìn thấy một quả mìn thời chiến tranh còn sót lại. Vốn tò mò, Hiếu cùng 2 bạn lấy đá đập vào quả mìn. Lúc này, quả mìn bất ngờ phát nổ, hất văng 3 cậu bé ra xa, những mảnh vỡ từ quả mìn găm vào thân thể các em khiến các em đau đớn, ngất lịm.

Rất may khu vực này liền kề Huyện đội Đại Lộc và Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam nên sự việc nhanh chóng được phát hiện và người dân đưa các em vào bệnh viện cấp cứu. Phan Văn Phú và Ngô Văn Phú được điều trị tại bệnh viện Bắc Quảng Nam; riêng Hiếu, do bị đa chấn thương, gãy nát hai bàn tay, dập gãy hai xương đùi, bụng bị nhiều vết thương nên em được đưa ra bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa. Các bác sĩ khoa bỏng-tạo hình của bệnh viện đã tiến hành cắt lọc da, cắt cụt hai bàn tay, cắt lọc vết thương ở hai bên đùi và làm cố định đùi bên trái cho Hiếu.

Vào thời gian đó, tài sản ít ỏi của gia đình không đủ chữa trị cho Hiếu nên vợ chồng ông Nhì phải vay mượn khắp nơi. Lúc này, Hiếu có bảo hiểm học sinh nhưng nhiều khoản chi phí không thuộc danh mục được bảo hiểm thanh toán. Rất may, một số nhà hảo tâm đã động viên, chia sẻ tinh thần, vật chất cho gia đình em Hiếu.

Viết tiếp ước mơ từ “đôi tay” ống nhựa

Cậu bé Hiếu vẫn luôn lạc quan trong cuộc sống.

Trải qua 1 năm dài ở bệnh viện với nhiều ca phẫu thuật, cuối năm 2014, Hiếu xuất viện về nhà. Tuy nhiên, Hiếu đã vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay ôm cặp, cầm bút ngày nào. Không những không có tay, đôi chân của Hiếu cũng rất yếu, bởi vụ tai nạn đã khiến đôi chân bị tổn thương nặng, mỗi bước đi của Hiếu đều rất khó khăn.

Ông Phan Văn Nhì (SN 1961, cha Hiếu) cho biết, khi biết mình bị mất đôi bàn tay, Hiếu đã khóc rất nhiều. Cho đến khi về nhà, em vẫn thường cáu gắt, bởi bị hạn chế trong sinh hoạt. Hơn nữa, từ nhỏ, Hiếu đã là đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm nên khi sự cố xảy ra đối với em là một cú sốc lớn. Thêm vào đó, một năm trời không được đến lớp, không được vui chơi với bạn bè khiến Hiếu rất buồn bực. Biết con bị khủng hoảng về tâm lý nên vợ chồng ông Nhì luôn quan tâm, dỗ dành và động viên Hiếu.

Những ngày nằm trên giường bệnh, Hiếu rất buồn. Hiếu muốn đi học, muốn rong chơi với bạn bè. Nhìn đứa con trai bé bỏng khóc, vợ chồng ông Nhì quặn thắt cả lòng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Nhì quyết định giúp con thực hiện ước mơ đến trường và vẽ những bức tranh như ngày xưa em từng vẽ. Ông Nhì lấy một đoạn ống nhựa dùng để dẫn nước, rồi ông dùi 2 lỗ nhỏ đủ để cắm chiếc bút vào. Ông mài nhẵn hai đầu ống nhựa để không gây đau cho Hiếu. Thế là, Hiếu đã có bàn tay giúp em cầm bút; Hiếu chỉ cần xỏ tay vào ống nhựa và điều khiển chiếc bút theo ý chí của mình.

Viết tiếp ước mơ từ “đôi tay” ống nhựa

Với “đôi tay”ống nhựa, Hiếu sẽ viết tiếp ước mơ trở thành họa sĩ trong tương lai

Hiếu cho biết, lúc đầu việc điều khiển ống nhựa với Hiếu gặp rất nhiều khó khăn. Em muốn viết chữ “a” thì “bàn tay” cứ đẩy cây bút thành chữ “o”. Rồi em nghĩ, không có việc gì lại không làm được và em quyết tâm. Mọi cố gắng của cậu bé đã được đền đáp, Hiếu đã dần làm chủ được “bàn tay” của mình và bây giờ em đã chép bài kịp các bạn hay vẽ những hình ảnh mà em thích.

"Sau một tháng tập luyện, em đã sử dụng thành thạo “bàn tay” ống nhựa. Em có thể đi học như các bạn, em có thể vẽ được rồi", Hiếu hào hứng nói.

Không những tập luyện đôi tay, Hiếu còn phải tập luyện cho đôi chân. Hiếu bảo, em không thể để ba bồng ẵm mình mãi được. Ban đầu tập đi, đau lắm. Nhưng về sau, đôi chân hết đau, trở nên mạnh khỏe hơn. Và bây giờ em đã đạp xe đi đến nhà các bạn chơi hay đi chợ để mua thực phẩm giúp mẹ.

"Tội nghiệp, thằng bé ham học lắm, những ngày chuyển trời, vết thương lại hành hạ khiến nó đau nhức. Suốt mấy năm nay, nó cứ đau ốm và nằm viện liên miên nhưng cứ mỗi lần được xuất viện về nhà là nó lại đòi đến lớp học ngay", bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (SN 1965, mẹ của Hiếu) tâm sự.

Chia sẻ về dự định cho tương lai, Hiếu quay sang nhìn ba, rồi lại cúi xuống nhìn đôi bàn tay của mình và cười tươi nói: "Từ nhỏ em đã có ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng không may sau vụ tai nạn em bị cụt mất đôi tay, tưởng chừng ước mơ đó của em sẽ mãi không thành hiện thực, nhưng từ ngày được cha làm cho cây bút này, em đã quyết tâm sẽ cố gắng học thật giỏi và tập vẽ thật đẹp để sau này trở thành một họa sĩ".

Phú Trung