Phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV

Chính trị - Ngày đăng : 11:21, 12/07/2016

Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV vào chiều 11/7.

Hội nghị nhằm nâng cao hiệu quả tiếp công dân, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, góp phần bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn và chất lượng Kỳ họp. 

Theo báo cáo của Phó Trưởng ban tiếp công dân Trung ương Dương Văn Huế, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình khiếu kiện của công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương diễn ra phức tạp, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết với thái độ gay gắt, bức xúc. Tình trạng công dân vi phạm Nội quy Trụ sở diễn ra thường xuyên. Công dân có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và vận động, nhiều người có hành vi chống đối, gây mất an ninh tại trụ sở.

Phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV

Hội nghị triển khai Luật sư, Luật gia tư vấn pháp lý cho công dân đến khiếu nại tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. (Ảnh minh họa)

6 tháng qua, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 12.583 lượt công dân đến trình bày 3.522 vụ việc. Trong số các vụ việc đã tiếp, khiếu nại là 2.172 vụ việc, tố cáo 779 vụ việc, phản ánh, kiến nghị 571 vụ việc. Số đoàn đông người tập trung khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương là 371 đoàn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Nội dung vụ việc chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: Liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng là 2.171 vụ việc (chiếm 61,7%); án, tư pháp là 555 vụ việc (chiếm 15,8%); chính sách là 224 vụ việc (chiếm 6,4%); tham nhũng là 64 vụ việc (chiếm 1,8%). Số vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết là 2.327 việc, còn 1.195 vụ việc chưa được xem xét, giải quyết. Có 30 đoàn công dân khiếu kiện đông người, phức tạp, điển hình trong 6 tháng đầu năm 2016.

Trong thời gian bầu cử, từ ngày 1/4 - 22/5, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp 3.906 lượt công dân đến trình bày 1.138 vụ việc, trong đó khiếu nại 660 việc, tố cáo 271 việc, kiến nghị và phản ánh 207 việc; có 119 đoàn đông người khiếu kiện của một số địa phương.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Trụ sở tiếp công dân đã tiếp nhận 7.800 đơn thư, đã xử lý 7.015 đơn, còn 785 đơn đang xử lý. Trong số đơn đã xử lý, có 1.965 đơn đủ điều kiện xử lý, gồm 1.540 đơn khiếu nại, 182 đơn tố cáo và kiến nghị, phản ánh là 243 đơn; đã xử lý 48 đơn liên quan đến bầu cử HĐND các cấp.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu kiện của công dân tiếp tục diễn biến phức tạp, các đại biểu cho rằng cần có sự ứng xử phù hợp khi tiếp dân, bảo đảm tất cả công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được tiếp, hướng dẫn tận tình, chu đáo, đúng pháp luật; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được giải quyết và theo dõi, đôn đốc giải quyết kịp thời; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân, tăng cường trao đổi thông tin, dự báo tình hình để chủ động xử lý các tình huống phức tạp; phục vụ kịp thời, chu đáo và an toàn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan và đại biểu Quốc hội tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thời gian diễn ra Kỳ họp.

Một số ý kiến cho rằng cần tập huấn kỹ năng tiếp dân và cung cấp thông tin cụ thể, sâu hơn về các vụ việc phức tạp cho các đại biểu Quốc hội, nhất là những đại biểu mới trúng cử khóa đầu. Về lâu dài, cần xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung về quản lý tiếp công dân và quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để khắc phục những khó khăn hiện nay. Trong lúc chưa có cơ sở dữ liệu, cơ quan chức năng cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp ngành dọc, phối hợp chiều ngang, cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ về các vụ việc, ai đã giải quyết, giải quyết thế nào. Bên cạnh đó, cần sửa lại hệ thống pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy kết trách nhiệm cho từng cấp; không giải quyết được, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Với những điểm nóng, phải phân công Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân tại Hà Nội. Các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường thanh tra trách nhiệm, khảo sát, giám sát việc thực hiện Luật tiếp công dân tại các địa phương, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Chu Thanh Vân