Vụ sập giàn giáo làm 6 người thương vong: Ai chịu trách nhiệm?

Đời sống - Ngày đăng : 16:02, 13/10/2016

Trách nhiệm chủ yếu dẫn tới vụ tai nạn lao động làm 6 người thương vong xảy ra sáng nay tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) là do người giám sát thi công trực tiếp giám sát, chỉ đạo thi công đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động.

Như Báo Công lý đã đưa tin, vào khoảng 5 giờ sáng 13/10, tại công trình chung cư cao tầng Eco Green Tower, số 1 phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 2 công nhân tử vong, 4 người khác bị thương.

Được biết, công trình chung cư cao tầng Eco Green Tower do Cty Liên Doanh Cổ phần Hóa Chất và Cty Cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư, Nhà thầu thi công là Cty Cổ phần UDIC, đơn vị tư vấn giám sát  là Cty Cổ phần đầu tư Tân Việt.

Ngay sau khi xảy ra sự cố tai nạn lao động làm 6 người thương vong, Đội TTXD quận Hoàng Mai đã ra quyết định đình chỉ thi công công trình theo Điều 28 về việc thi công không đảm bảo an toàn.

Vụ sập giàn giáo làm 6 người thương vong: Ai chịu trách nhiệm?

Vụ sập giàn giáo ở Hà Nội làm 6 người thương vong

Theo ông Trần Văn Vịnh, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai, công trình được thi công theo giấy phép xây dựng số 66 của Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 4/12/2015. Công trình này mới được Đội Thanh tra xây dựng tiến hành kiểm tra cách đây 2 ngày (11/10) và không phát hiện ra sai phạm.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng mất an toàn lao động trong các công trường xây dựng đang ngày càng gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng về người, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng để ngăn ngừa các sự cố tai nạn lao động trong quá trình thi công thì việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn từ khâu thiết kế, lắp đặt đến thi công phải được thực hiện nghiêm ngặt theo qui định.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý sự cố vụ tai nạn lao động ở phố Giáp Nhị (quận Hoàng Mai) luật sư Thơm nói, trước hết phải xác định đây là vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng dẫn tới 2 người chết, 4 người bị thương .

“Trách nhiệm chủ yếu dẫn tới vụ tai nạn là do người giám sát thi công trực tiếp giám sát, chỉ đạo thi công đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động”, ông Thơm cho biết.

Theo luật sư Thơm, hành vi của người giám sát có dấu hiệu tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 227 BLHS.

Lỗi của người tư vấn giám sát trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 2 điều 10 BLHS: “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó".

Về trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nói trên, luật sư Thơm cho rằng khó có căn cứ để xác định trách nhiệm chủ đầu tư. Bởi lẽ “Việc đảm bảo an toàn lao động đã được chủ đầu tư thuê đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn khi trong thi công. Do vậy, nếu hậu quả xảy ra thì bên giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả thiệt hại do không làm đúng trách nhiệm của mình”.

Luật sư Thơm cũng chia sẻ thẳng thắn cần khởi tố vụ án hình sự để làm căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng. Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị giám sát,.. phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng các qui chuẩn về an toàn lao động trong thi công thì công trình mới được xây dựng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công cần thiết phải hỗ trợ cho các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động.

Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Đỗ Việt