Đời sống

Hải quan khởi tố 11 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm

Nguyễn Cúc 09/07/2024 - 18:30

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trong đó đã khởi tố 11 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 381,4 tỷ đồng.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 06 tháng đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - giai đoạn có sự gia tăng về các mặt hàng tiêu dùng.

Các đối tượng đã lợi dụng sự tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép như: Động vật hoang dã, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, vàng, thuốc tân dược, khoáng sản... tập trung tại các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không và các tuyến địa bàn ngoài cửa khẩu với nhiều phương thức, thủ đoạn phổ biến như: Cất giấu hàng hóa trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay; khai sai tên hàng, mã số HS, số lượng, chất lượng, trị giá; giả mạo hồ sơ, chứng từ...

buonlau.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan.

Các đối tượng còn sử dụng những phương thức như: Gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh, sử dụng địa chỉ không chính xác để gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân không nhằm mục đích thương mại; khai sai mã số, thuế suất, số lượng, chủng loại, chất lượng, trọng lượng, trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu; giả mạo xuất xứ, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá, xâm phạm sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm mà bán tiêu thụ nội địa hoặc không xuất khẩu sản phẩm gia công mà thực tế xuất khẩu mặt hàng khác, không rõ nguồn gốc xuất xứ để hợp thức hóa cho số nguyên liệu đã nhập khẩu; khai báo nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ mới trong khi thực tế là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu. Nhiều vụ việc vi phạm được Tổng cục Hải quan phát hiện và xử lý.

Trước tình hình trên, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính và sự phối hợp của các lực lượng liên quan như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, An ninh hàng không ... cùng với quyết tâm, chủ động kiểm soát tình hình, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan, gồm các kế hoạch: Triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2024; kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024; kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới; 14 văn bản chỉ đạo, cảnh báo, thực hiện công tác kiểm soát hải quan trong toàn ngành đối với một số mặt hàng nóng, nổi cộm như: vàng; dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu; động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Ketamine; ma tuý các loại trên tuyến đường biển và hàng không; ma túy qua tuyến Lào; tuyến Việt Nam - Nhật Bản…loại hình gia công, sản xuất, doanh nghiệp chế xuất.

Tổng cục Hải quan đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia ban hành, hướng dẫn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; các mặt hàng nóng như vàng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục Hải quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất vàng của các doanh nghiệp được cấp phép; giám sát chặt chẽ hàng hóa, hành lý, xuất, nhập qua các cửa khẩu, các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông V, đề xuất kế hoạch triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI và đã được Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt theo hướng: Nâng tầm, mở rộng quy mô triển khai Chiến dịch, tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác điều tra sau bắt giữ để phát hiện sớm các đường dây xuyên quốc gia buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và động thực vật hoang dã. Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI nhận được sự đồng thuận tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tham gia Hội thảo ba bên về phòng chống vận chuyển trái phép gỗ trong khuôn khổ Chiến dịch Con rồng Mê Kông (OMD) tại Ninh Ba, Trung Quốc.

Triển khai chiến dịch Demeter X về tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và phát hiện vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải nguy hại tới môi trường theo thư mời của WCO trong toàn Ngành. Tham gia dự họp Hội thảo tổng kết chiến dịch Sesha IV và nhận diện gỗ do RILO A/P phối hợp với UNODC tổ chức tại Nhật Bản về đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ đàn hương đỏ và các loài gỗ khác thuộc danh mục CITES.

Quán triệt trong toàn Ngành việc thực hiện một số công việc về xử phạt vi phạm hành chính trong việc xác định dấu hiệu vi phạm và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong việc xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan và giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan (tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 11 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 381,4 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2023).

Nguyễn Cúc