Văn hóa- Thể thao

Phục dựng lễ cúng bến nước của người M’nông

Lê Hiếu 09/07/2024 - 14:17

Phục dựng lễ cúng bến nước của người M’nông không chỉ giúp tái hiện một phần cuộc sống văn hóa tinh thần đặc sắc mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và truyền lại những giá trị quý báu cho các thế hệ sau.

Vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lắk đã tổ chức phục dựng Lễ cúng bến nước của người M’nông tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk. Đây là hoạt động phục dựng nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc M’nông nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Qua đó tôn vinh, giới thiệu, quảng bá di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các lễ hội, nghi lễ dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, nghệ nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình tại địa phương; thực hiện thành công Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

z5613675070371_856a219990a29a74e121b668a408524f(1).jpg
Thầy cúng thực hiện nghi lễ mời gọi thần nước hồ Lắk, các thần núi đến lễ cúng.

Trong chương trình phục dựng, đơn vị thực hiện đã triển khai điều tra, khảo sát, điền dã thực địa trên địa bàn; triển khai, thu thập thông tin tư liệu về lễ cúng bến nước (bến hồ) của người M’nông và các tư liệu liên quan; tổ chức phục dựng, ghi hình về diễn biến quá trình diễn ra nghi lễ trên địa bàn triển khai; lấy ý kiến của chủ thể văn hóa về công tác bảo tồn, phát huy và các phương pháp duy trì tổ chức trong cộng đồng đối với nghi lễ.

Buôn Jun, nằm gần hồ Lắk, được coi là một trong những ngôi làng cổ xưa đẹp nhất của người M’nông R’Lâm. Trước đây, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào hồ Lắk, với thuyền độc mộc là phương tiện đi lại chủ yếu, dù đi nương rẫy, đi đánh bắt cá hay đi sang các buôn làng khác đều chủ yếu di chuyển bằng thuyền độc mộc.

Bên cạnh đó, người M’nông quan niệm rằng, vạn vật đều có thần linh trú ngụ, có tâm hồn như con người, vì vậy họ rất coi trọng việc các nghi lễ cúng để tôn kính các thần linh. Đến nay, người dân buôn Jun còn lưu giữ rất nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa để lại như lễ cúng sức khoẻ cho voi, lễ cúng nhà mới, lễ cúng hạ thủy thuyền, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng bến nước,…Trong đó, lễ cúng bến nước hay bến hồ đã trở thành một phong tục đặc biệt của người M’nông nơi đây.

z5613675550477_b31d6d11a87aec4bb04424214deef624(1).jpg
Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn là thông điệp giáo dục con cháu có ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, bảo vệ rừng.

Ông Y Nuôi Pang Sưr (người dân Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn) cho biết, theo phong tục truyền thống của đồng bào M’nông trước đây, cứ khoảng từ 2-3 năm một lần, bà con sẽ tổ chức lễ cúng bến hồ Lắk cũng là nơi thuyền độc mộc neo đậu một lần.

Để cúng bến hồ mọi người trong buôn sẽ chuẩn bị đầy đủ các lễ vật gồm có: 1 con heo 3 gang, 1 chén cơm nếp, rượu cần, 1 hồ lô đựng đầy nước và 3 tẩu thuốc lá. Sau khi chuẩn bị đủ các lễ vật, nghi lễ cúng sẽ bắt đầu, trước khi tiến hành nghi lễ cúng những người uy tín và già làng trong buôn sẽ mời các giàng ở trong vùng như thần đất, thần cây, thần núi đến lễ cúng, cùng bà con tiếp đón các giàng ở buôn làng khác đến lễ cúng.

Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ cúng mời gọi thần nước hồ Lắk, các thần núi đến lễ cúng. Kết thúc lễ cúng, thầy cúng sẽ bôi tiết heo được hòa cùng với rượu cần lên cồng chiêng, ché rượu cần để mời các vị thần nghe tiếng cồng chiêng và thưởng thức ly rượu cần.

Nghi lễ này thể hiện sự gắn kết giữa các vị thần với nhau và giữa con người với thần linh, mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ cho người dân trong buôn đi thuyền luôn thuận lợi, đầy ắp cá tôm, làm ăn phát đạt; con cháu dân làng khỏe mạnh, sống yêu thương đoàn kết với nhau.

“Việc cúng bến hồ Lắk là một trong những nghi lễ còn vẹn nguyên giá trị văn hóa bản sắc của người dân tộc Mnông R’Lâm ở buôn Jun, qua đó góp phần tạo sự đoàn kết gắn bó giữa mọi người trong buôn làng. Vì vậy nghi lễ sẽ luôn được các thế hệ trẻ của người M’nông R’Lâm tiếp tục giữ gìn và phát huy”, ông Y Nuôi Pang Sưr cho hay.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lắk cho biết, lễ cúng bến nước hay bến hồ đã trở thành một phong tục tập quán độc đáo của người M’nông nơi đây. Việc phục dựng lễ hội, nghi lễ dân gian đặc sắc của đồng bào M’nông còn động viên các hoạt động giữ gìn và trao truyền nét văn hóa đặc sắc giữa các thế hệ; phát huy vai trò của người uy tín, già làng, nghệ nhân am hiểu về văn hóa và cộng đồng tham gia lễ hội; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Lê Hiếu