“Đã uống rượu bia, không lái xe”
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Trước khi biểu quyết toàn bộ dự án Luật, Quốc hội biểu quyết thông qua khoản 2 Điều 9 về quy định cấm: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với 357/448 (chiếm 73,46%) tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
UBTVQH cho rằng, trong dự thảo Luật này, nếu không tiếp tục quy định của khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm TTATGT đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội;...
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Đáng nói là, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, từ năm 2018 đến hết năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người. Số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 381.269 lượt người chiếm 13,9%, trong đó số nạn nhân liên quan đến rượu, bia là 425.619 người, số lượt nạn nhân chấn thương sọ não 70.522 lượt người, chiếm 16,6%.
Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật TTATGTĐB, nhiều đại biểu cũng ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người tham gia giao thông có nồng độ cồn.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, góp phần giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông.
Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Nghị định số 100 của Chính phủ sau này là Nghị định 123 quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Chính vì thế, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.
Theo các đại biểu, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó.
Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn mang lại lợi ích hơn nhiều so với những mất mát về mặt lợi nhuận, kinh tế. Cấm nồng độ cồn đối với lái xe không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn nhằm đảm bảo sức khỏe của người tham gia giao thông, bảo vệ thể lực, trí lực của người Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Qua một thời gian triển khai thực hiện, quy định này đã được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Để luật đi vào cuộc sống và phù hợp với thực tiễn, một số đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, xem xét, cân nhắc về mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình theo thời gian để từng bước hình thành văn hoá “đã uống rượu bia, không lái xe” khi tham gia giao thông.