Gắn kết đam mê, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, người trẻ dần quên đi những giá trị văn hóa truyền thống thì vai trò của các nghệ nhân lại càng quan trọng. Hiện nay, các nghệ nhân không chỉ được Đảng, Nhà nước tôn vinh mà còn được hưởng những chính sách đãi ngộ thiết thực, kịp thời, để những “báu vật sống” chuyên tâm cống hiến cho công tác bảo tồn, truyền giữ văn hóa dân tộc.
Yêu thích dân ca, đam mê nhạc cụ dân tộc
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái, bà Lê Thị Nga có bố mẹ đều là những người có tình yêu sâu nặng với làn điệu dân ca truyền thống, ngay từ nhỏ, bà đã tiếp xúc với các làn điệu dân ca dân tộc mình.
Bà Nga chia sẻ: “Khi chưa đầy 10 tuổi, bà đã có thể tự thể hiện những làn điệu như khắp, xuối, lăm, nhuôn, biết chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Khi trưởng thành, mặc dù theo đuổi nghiệp dạy học, nhưng song hành với đó, bà vẫn luôn dành tình yêu tha thiết cho sưu tầm, chia sẻ hiểu biết về văn hóa truyền thống cho nhiều người”.
Hiện giờ đã ngoài 84 tuổi, bà Nga là người duy nhất trong bản và trong xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) biết sáng tạo nhạc cụ dân tộc đơn giản từ những cây nứa, cây tre, lá cây trong rừng.
Bà cho biết, những nhạc cụ đơn giản đó được tạo ra từ trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Sau mỗi buổi lao động vất vả, ngồi nghỉ ngơi trên nương, rẫy, người ta có thể ngắt lá cây để thổi hay như khèn pí hoặc chặt những đoạn từ cây tre, cây nứa để chế tác thành những chiếc ống gõ kết hợp phát ra âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng. Những nhạc cụ được làm ra có những âm thanh rất hay, vang vọng núi rừng.
Ở nhiều địa phương hiện nay, văn hóa dân tộc truyền thống ít được thế hệ trẻ quan tâm học hỏi. Bên cạnh đó, số lượng người truyền dạy và hiểu biết về các làn điệu văn hóa dân tộc thiểu số cũng ít dần nên hát nhuôn, xuối, on, ổi hay biết thổi khèn, pí …ngày càng mờ nhạt trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Nhận thấy được điều đó, bà Lê Thị Nga đã mở lớp truyền dạy cho con cháu từ năm 2020 đến nay.
Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa Thái
Chị Vi Thị Ly, ở bản Kẻ Can, xã Châu Bình cho biết: “Bà Nga là người đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Ban đầu, được bà hướng dẫn học hát và chơi các nhạc cụ dân tộc, tôi thấy cũng khó nhưng sau khi học được một thời gian thì thấy dễ hiểu hơn nhiều. Vì thế, tôi với nhiều người ngày càng thấy thích những điều bà Nga truyền dạy để văn hóa Thái không bị mai một".
Hiện nay, cuộc sống của người dân vùng miền núi ngày một khá giả hơn trước vì họ cần cù chịu khó, biết làm kinh tế, đời sống sinh hoạt được cải thiện. Cũng vì thế, vào thời gian nghỉ hè, người dân đã rất quan tâm đến việc tìm nơi trải nghiệm, học tập cho con cái mình.
Do đó, CLB và lớp học văn hóa Thái của bà Lê Thị Nga hàng ngày đều rôm rả, vui vẻ thu hút rất đông học viên. Những điệu xuối, nhuôn, tiếng khèn, điệu nhạc pí…vang lên đã xua tan cái nắng nóng mùa hè nơi miền Tây xứ Nghệ.
Ông Lô Quang Lục, Chủ nhiệm CLB văn hóa Thái bản Can, xã Châu Bình cho biết thêm: “Bà Nga là người yêu thích dân ca, nhạc cụ dân tộc. Hiện nay, CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng, nhất là vào những tháng nghỉ hè có rất nhiều các em học sinh tham gia lớp học có bà Nga giảng dạy.
Chúng tôi tin tưởng, bà Nga sẽ đem hết tài năng, sự am hiểu về văn hóa dân tộc Thái để truyền dạy lại cho thế hệ con cháu nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống mà ông cha để lại".