Khai thác thủy sản bất hợp pháp là tự hại mình
Chiều 6/7, Báo Pháp luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững”.
Theo TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, những khuyến nghị gỡ thẻ vàng IUU của EC không nằm ngoài quy định pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017. Do đó, chúng ta chỉ cần tuân thủ thực thi pháp luật của Việt Nam là đã có thể gỡ thẻ vàng.
Tiếp theo Luật Thủy sản, ngày 10/04/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ngày 22/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/04/2024.
Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định: Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định về đăng kiểm tàu cá, công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá, bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư, đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản, xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
“Thực hiện đánh bắt thủy sản đúng quy định không chỉ gỡ thẻ vàng IUU, giảm thiệt hại kinh tế cho ngành thủy sản mà còn thể hiện trách nhiệm của ngư dân nói riêng, của người dân Việt Nam nói chung đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản thế giới”, TS Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.
Theo PGS, TS. Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kinh tế biển bao gồm kinh tế thủy sản, du lịch biển và vùng bờ biển, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, giao thông vận tải biển…
Trong các ngành kinh tế biển, kinh tế thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng nhất vì nó không những là sinh kế của những ngư dân, người nuôi trồng và chế biến thủy sản mà còn ảnh hưởng tới các hệ sinh thái biển và chất lượng môi trường biển. Phát triển kinh tế thủy sản bền vững sẽ giúp phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái biển khỏe mạnh, nguồn cung cấp thủy sản bền vững và môi trường biển trong lành, nâng cao sức khỏe người dân và hỗ trợ các ngành kinh tế biển khác.
Liên minh châu Âu là một thị trường quan trọng, chiếm 1/3 sản lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (tương đương 400 triệu USD).
Trong những năm vừa qua, thẻ vàng của EC đã làm sản lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm khoảng từ 6% đến 10% mỗi năm. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 5 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.
Thẻ vàng IUU cũng gây ra những tác động bất lợi tới vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với thiệt hại về tài chính, sinh kế của ngư dân và những người chế biến thủy sản cũng bị tác động mạnh. Thẻ vàng IUU đã gây tác động bất lợi tới chuỗi việc làm của hơn 60 nhà máy đang hoạt động có liên quan đến chế biến, xuất khẩu hải sản và ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sinh kế của rất nhiều người lao động.
“Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo là “ta tự hại mình” khi sản phẩm đánh bắt không được thị trường chấp nhận, nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến hình ảnh ngành thủy sản và sinh kế của thế hệ mai sau”, PGS, TS. Vũ Thanh Ca cảnh báo.
Dịp này, ban tổ chức hội thảo cũng đã trao tặng 25 suất học bổng cho con em các gia đình bà con ngư dân vượt khó học giỏi; trao 200 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng), gồm: bình ắc quy, bóng đèn led, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin con ó, bình lọc nước sạch uống trực tiếp, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng từ Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.