Di sản văn hóa - tiềm năng phát triển du lịch thành phố Uông Bí
Ngày 6/7, UBND TP. Uông Bí phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học: “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững TP. Uông Bí” với sự tham gia của trên 200 đại biểu, khách mời.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã khái quát những nét nổi bật về kho tàng di sản văn hóa của vùng đất Uông Bí.
Uông Bí là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều tiềm năng như hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh và những lễ hội truyền thống mang đặc trưng tín ngưỡng vùng miền. Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Uông Bí đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng, riêng có.
Xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, những năm qua, Uông Bí đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phát triển kinh tế du lịch.
Hội thảo thu hút hơn 30 bài tham luận có chất lượng của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, một số chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu văn hóa lịch sử của thành phố.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ hơn về những nét đặc trưng văn hóa của Uông Bí từ góc nhìn tài nguyên du lịch và chia sẻ về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững trong sự liên kết giữa các địa phương.
Hội thảo cũng nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố về giá trị của các di sản, từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn thành phố Uông Bí; đồng thời, định hướng, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, điểm đến độc đáo, hấp dẫn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.