Từ bao giờ chúng ta hành xử “bạo lực” hơn
Đời sống - Ngày đăng : 15:05, 07/10/2016
Những hành vi đó có thể coi là bạo lực xã hội bởi nó vượt qua những mâu thuẫn trong gia đình hay nhà trường và diễn ra trên diện rộng hơn, ở nhiều tầng lớp, đối tượng phạm vi trong xã hội.
Nếu như trước đây chỉ có chồng đánh vợ thì nay vợ có thể đánh chồng, học sinh đánh nhau, nhân viên đánh, bắn lãnh đạo, đồng nghiệp, họ hàng hoặc thậm chí các nhà tu hành cũng sẵn sàng cầm dao truy đuổi ngay trong chốn tôn nghiêm Phật pháp.
Mức độ các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, hành vi man rợ, thái độ lạnh lùng hơn…,phải chăng chúng ta đang đứng trước một xã hội bạo lực khi mà cái xấu và cái tốt, hành vi đúng-sai đang được đánh đồng, xảo trá, lẫn lộn?
Những hình ảnh này không còn quá hiếm gặp trong đời sống xã hội hiện nay
Theo Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2013 - 2015, đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các vụ bạo lực, thanh toán nhau, xử lý trên 42.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực có nhiều nguyên nhân. Thông thường, nguyên nhân gây ra bạo lực không thể dựa vào một trong những yếu tố như giao tiếp, giải trí hoặc môi trường xã hội. Bạo lực có thể liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng điển hình vẫn là những điều cơ bản sau:
Thất vọng và tuyệt vọng: Thỉnh thoảng người ta có hành vi bạo lực khi bị áp bức, phân biệt đối xử, tách biệt khỏi xã hội, túng quẫn hoặc cảm thấy mình bị dồn vào bước đường cùng.
Hùa theo đám đông: Như thường thấy trong các sự kiện thể thao, đám đông dường như không ngại biểu lộ hành vi xấu. Tại sao? Sách Social Psychology cho biết, so với người khác, họ “không ý thức đến tiêu chuẩn đạo đức của mình và phản ứng mạnh hơn trước tình huống khó chịu, khiến họ có hành vi bạo lực hoặc hung hăng”.
Hận thù và đố kỵ: “Nơi nào có sự đố kỵ và tranh cãi, nơi đó cũng sẽ có rối loạn cùng mọi điều đê tiện”! – Trích kinh thánh
Nghiện rượu và ma túy: Lạm dụng những chất gây nghiện không những làm hại thể chất, tinh thần mà còn ức chế những trung tâm điều khiển của não. Dưới ảnh hưởng đó, một người có thể dễ hung bạo và hung hăng hơn khi bị khiêu khích.
Hệ thống pháp lý lỏng lẻo: Khi hệ thống pháp lý còn chưa nghiêm minh, không đủ sức răn đe thì sẽ trực tiếp hay gián tiếp gây ra bạo lực.
Chúng ta đang sống trong một xã hội khi mà những người trẻ tuổi hay bị “bức tử” tuyệt vọng bởi chính những hành vi trong gia đình mình, sự đối xử không công bằng giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò…rồi khi ra trường họ tuyệt vọng khi không phải là “con ông cháu cha”, không thể tìm được một công việc như ý.
Nếu như, một xã hội không có sự công bằng, các hành vi không được xử lý một cách nghiêm minh, vẫn còn hiện tượng bao che giữa cấp trên đối với cấp dưới. Tồn tại cơ chế xin – cho, cửa quyền, hách dịch…thì tình trạng bạo lực không những không thuyên giảm mà ngày một gia tăng.
Người có quyền cậy mình có quyền, kẻ có tiền cho mình được quyền nên có thái độ coi thường, ức hiếp nhóm yếu thế. Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, phụ nữ tự hành hạ lẫn nhau, xã hội lạnh lùng, hả hê đôi khi vô thức lại là phương tiện cổ vũ cho các hành động bạo lực gia tăng.
Người ta vui vẻ đứng xem những người phụ nữ đánh ghen, xé quần xé áo nhau trên phố. Người ta dửng dưng đứng quay clip để tung lên mạng cảnh chồng tát tới tấp vào mặt vợ đang mang thai; người ta gặp nhau là “nhậu”, mà đã “nhậu” là phải quên đường về để rồi ma men biến con người thành những kẻ mất nhân tính, cha giết con, vợ giết chồng…
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải có giải pháp tích cực hơn nữa để loại bỏ những hành vi bạo lực ra khỏi đời sống xã hội.