Cảnh giác tội phạm mua bán bộ phận cơ thể người
Gần đây, hành vi mua bán bộ phận cơ thể người đang diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực đến con người và xã hội. Các đường dây, tổ chức, đối tượng phạm tội này có nhiều mánh khóe và thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Thời gian qua, TAND hai cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử nhiều đối tượng trong các đường dây mua bán bộ phận cơ thể người. Từ thực tế các vụ mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người được TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử cho thấy, các đối tượng điều hành đường dây mua bán bộ phận cơ thể người đều đã từng được hiến để ghép thận hoặc từng cho, bán đi một quả thận. Đối tượng vì thế nắm bắt được quy trình, nhu cầu về ghép thận hiện nay để thực hiện hành vi phạm tội.
Vào ngày 24/6, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử bị cáo Huỳnh Thanh Bá (SN 1990, trú tỉnh Gia Lai) về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”.
Năm 2019, Huỳnh Thanh Bá đã hiến một quả thận cho chị Phan Thị Đ. (ở Quảng Ngãi) tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi hiến thận, Bá được chị Đ. bồi dưỡng số tiền 250 triệu đồng. Vì vậy, Bá nảy sinh ý định môi giới, mua bán thận để kiếm lời.
Để thực hiện ý định đó, từ tháng 3/2020, Bá tham gia nhóm facebook “Hội hiến thận” với nick “Chàng Khờ”, để tìm kiếm những người bán và mua thận.
Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 - 7/2022, Huỳnh Thanh Bá đã 2 lần có hành vi mua thận là bộ phận của cơ thể người rồi bán lại cho người cần ghép để lấy lời.
Mặc dù cả hai lần mua bán thận đều gặp trở ngại dẫn đến không thực hiện được việc mua bán ghép thận, nhưng Bá vẫn nhiều lần nhận tiền từ người mua thận để hưởng lợi gần 810 triệu đồng. Mỗi vụ Bá hỏi mua 1 quả thận với giá 400 triệu đồng rồi bán ra với giá 1 đến 1,1 tỷ đồng.
TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phạt bị cáo Huỳnh Thanh Bá 7 năm tù về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”, ngoài ra bị cáo còn phải trả lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính cho các nạn nhân.
Trước đó, TAND TP. Huế mở phiên tòa xét xử vụ án “Mua bán bộ phận cơ thể người” đối với 3 bị cáo Nguyễn Thanh Tú (SN 1982, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1990, trú tại tỉnh Bến Tre), Phạm Lê Tuấn Anh (SN 1979, trú phường Gia Hội, TP. Huế).
Trong vụ án này, bản thân Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Văn Nghĩa từng là bệnh nhân được hiến ghép thận nên cả hai có hiểu biết về quy trình hiến ghép thận.
Do cần tiền để trang trải cuộc sống và chữa bệnh, Tú và Nghĩa nảy sinh ý định môi giới việc mua bán thận. Hai đối tượng dùng thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, sử dụng mạng xã hội để liên hệ trao đổi, che giấu hành vi phạm tội, địa bàn hoạt động rộng, liên quan đến nhiều địa phương.
Trong vụ án này, Tú và đồng phạm thực hiện môi giới mua, bán thận ba lần, với tổng số tiền theo hợp đồng là 2,6 tỷ đồng, hưởng lợi số tiền 630 triệu đồng.
Nghĩa thực hiện việc môi giới mua bán thận một lần với giá trị hợp đồng 800 triệu đồng và hưởng lợi số tiền 210 triệu đồng. Phạm Lê Tuấn Anh thực hiện hành vi giúp sức môi giới mua bán thận một lần với giá trị hợp đồng 850 triệu đồng, nhưng không hưởng lợi.
Tại phiên tòa, chủ tọa cho rằng đối với 4 người bán thận là những người do rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, quẫn bách, đã nhận tiền của các bị can để bán thận. Hiện nay pháp luật không quy định hành vi này là phạm tội.
Đối với việc những người này không bán được thận và chưa trả tiền đã ứng trước cho bị cáo Nghĩa và Tú là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn; do đó hành vi của những người này không có dấu hiệu phạm tội, Cơ quan điều tra đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung.
Cũng theo vị chủ tọa, đối với những người mua thận là những người đang bị bệnh suy thận nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nên phải tìm mọi cách mua thận nhằm tăng cường sức khỏe, sự sống cho bản thân, hiện nay pháp luật không quy định hành vi này là phạm tội.
HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thanh Tú 7 năm tù, Nguyễn Văn Nghĩa 5 năm tù về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”. Riêng Phạm Lê Tuấn Anh, xét thấy bị cáo không vì mục đích tư lợi cá nhân mà chỉ xuất phát từ sự đồng cảm với người bị bệnh có hoàn cảnh giống mình nên muốn giới thiệu để có cơ hội được sống. Vì vậy, tuyên phạt Phạm Lê Tuấn Anh 2 năm tù với cùng tội danh nhưng cho hưởng án treo.
Được biết, theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bị nghiêm cấm. Vì thế, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người có nhu cầu hiến tặng và người bệnh cần đến các cơ sở y tế để tiến hành các thủ tục theo quy định.