VDSC: Nợ xấu dự báo đạt đỉnh trong quý III/2024
Theo chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III năm nay, hoặc chậm nhất là quý IV.
Thống kê của VDSC, tỷ lệ nợ xấu của 28 ngân hàng có công bố BCTC quý I/2024 đã tăng từ 1,94% vào đầu năm 2023 lên 2,18%. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu từng giảm trong quý IV/2023.
Theo nhận định của VDSC, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng trở lại phần nhiều liên quan đến cho vay lĩnh vực BĐS, gồm cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhóm khách hàng cá nhân. Trong quý I/2024, một số ngân hàng đã bị phân loại lại nhóm nợ theo CIC, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Dự báo về chất lượng tài sản ngân hàng, VDSC cho rằng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay, hoặc chậm nhất là quý IV.
VDSC đánh giá nợ xấu dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới do thị trường BĐS còn nhiều khó khăn do các nút thắt chưa hoàn toàn được tháo gỡ. Sau đó nợ xấu sẽ đi ngang chứ không tăng mạnh như giai đoạn trước nữa bởi kinh tế phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Các chuyên viên phân tích cũng kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường BĐS phục hồi dần cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn.
Điểm tích cực liên quan đến vấn đề nợ xấu của các ngân hàng là mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT- NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng đến hết ngày 31/12/2024.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, lãi và tiếp cận dòng vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn giảm bớt áp lực nợ xấu cho các ngân hàng, giúp ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Áp lực nợ xấu phát sinh thêm có thể giảm bớt, nhưng theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, xử lý nợ xấu mới luôn là vấn đề làm đau đầu ngân hàng. Thị trường bất động sản tuy có ấm lên nhưng chỉ ở một vài phân khúc, còn lại vẫn trầm lắng. Do đó, các TCTD gặp khó khăn khi tìm kiếm người mua tài sản. Hiện tượng tài sản được rao bán hàng chục lần vẫn không thành công diễn ra phổ biến, dù giá bán đã được ngân hàng điều chỉnh mạnh. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, quyền xử lý nợ xấu nhất là tài sản đảm bảo của các ngân hàng bị hạn chế nhiều dẫn đến thu hồi nợ chậm hơn.