TP.HCM: Phát động phong trào “nhà có thiết bị báo cháy, mặt nạ phòng độc, lối thoát nạn"
“Nhà tôi có thiết bị cảnh báo cháy”, “Nhà tôi có mặt nạ phòng độc”, “Nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2"… là những phong trào Công an TP.HCM phát động để kêu gọi toàn dân tham gia PCCC&CNCH.
UBND TP.HCM vừa có công văn gửi các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 59/CĐ- TTg ngày 17/6/2024.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đơn cử, ngày 19/6, thành phố xảy ra vụ cháy tại hộ kinh doanh trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người tử vong.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, đồng thời tăng cường đảm bảo công tác PCCC&CNCH, UBND TP.HCM yêu cầu Công an Thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại, kiểm tra, triển khai ngay giải pháp hữu hiệu về PCCC&CNCH đối với nhà ở cho thuê trọ, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ...
Đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH, không thực hiện các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, khi xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản phải cương quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định an toàn về PCCC&CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động nhưng chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC&CNCH hoặc để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình về công tác PCCC&CNCH.
Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo Tổng Công ty điện lực Thành phố yêu cầu các Công ty điện lực thành viên quán triệt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tổ chức, phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, góp phần hạn chế cháy, nổ do điện gây ra.
Song song đó, các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phát động phong trào “Nhà tôi có thiết bị cảnh báo cháy”, “Nhà tôi có mặt nạ phòng độc”, “Nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2" tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng rãi nhằm vận động người dân tham gia, trong đó chú trọng nâng cao vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong tham gia thực hiện phong trào.
Cạnh đó, tăng cường phối hợp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lan tỏa mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH trong cộng đồng.
Riêng UBND quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương hoàn thành, rà soát, phân loại, kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH đối với 100% chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao, nhà trẻ, trường mầm non, bệnh viện, phòng khám, trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện... để đảm bảo thực hiện triệt để các điều kiện, giải pháp an toàn về PCCC&CNCH.
Kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý chất lượng công trình, trật tự xây dựng;
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng sau khi xây dựng hoàn thành, tự chuyển đổi thành nhà ở thương mại để bán hoặc cho thuê theo hình thức nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ;
Kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn tại theo quy định; tuyệt đối không để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mà không được xử lý kịp thời gây bức xúc cho dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và đời sống của người dân.