Quảng Nam gấp rút triển khai dự án từ nguồn vốn ODA
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA đối với các Dự án mang tính lan tỏa cao; thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân… Tuy nhiên, vẫn còn việc triển khai chậm, rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Đừng để nước đến chân
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn vốn nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn hạn chế thì ODA đã trở thành nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Việc giải ngân vốn ODA chậm trễ khiến cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách phải nằm chờ vốn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. Không những thế, giải ngân vốn ODA không đúng tiến độ còn khiến nhà nước phải chịu thêm các khoản phí và lãi vay, uy tín của quốc gia bị ảnh hưởng…
Hiện nay, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng chậm triển khai dự án, xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Nguyên nhân được chỉ ra là một phần do thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của các địa phương. Bên cạnh đó, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân bao gồm các vướng mắc trong khâu đầu thầu hoặc hợp đồng thương mại; giải phóng mặt bằng; điều chỉnh thiết kế; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán...
Đơn cử như tại Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Châu Á. Đây là Dự án thuộc nhóm B, với tổng vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng từ vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Trong đó, đầu tư xây dựng mới 23 trạm y tế theo thiết kế ban hành kèm theo Thông tư số 32 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng 14 trạm y tế và cung cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn của 11 huyện, bao gồm Quế Sơn, Đại Lộc, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Bắc Trà My, Núi Thành, Hiệp Đức, Phước Sơn và Duy Xuyên.
Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý hồ sơ sức khỏe, theo dõi quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mãn tính.
Thời gian thực hiện từ 2019 – 2025, nhưng sau nhiều năm trì hoãn thì đến tháng 6/2024 Dự án này mới được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân được chỉ ra như dự án triển khai tại 37 xã vùng sâu, vùng xa, nên việc khảo sát, đi lại gặp nhiều khó khăn. Dự án lại sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, phải tham vấn ý kiến nhiều cơ quan (trung ương lẫn địa phương) nên mất rất nhiều thời gian…
Hay như tháng 12/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án này cho Sở Y tế nhưng hai năm sau, tháng 1/2023, Sở Y tế lại đề nghị giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án này cho đơn vị khác đủ năng lực thực hiện. Theo trình bày của Sở này, nguyên nhân vì thiếu nhân sự, không có cán bộ kỹ thuật chuyên môn, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 3 năm (2023 - 2025), không đủ năng lực để hoàn thành đúng thời hạn.
Kiến nghị nhà tài trợ rút ngắn thời gian xem xét
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng 6 tháng năm 2024. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam đã vận động đầu tư Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chấp thuận cho UBND tỉnh Quảng Nam vay lại nguồn vốn WB và giao Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng cho vay lại vốn vay nước ngoài với UBND tỉnh, sau khi Hiệp định vay nước ngoài với WB được ký kết theo quy định.
Trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án có sử dụng vốn ODA là 1.056.944 triệu đồng, gồm: Vốn nước ngoài 827.212 triệu đồng (vốn ngân sách trung ương cấp phát 502.412 triệu đồng, vốn vay lại 324.800 triệu đồng); vốn đối ứng 299.732 triệu đồng (ngân sách trung ương 30.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh 199.732 triệu đồng).
Tính đến nay, đã giải ngân 232.544 triệu đồng, đạt 22%. Theo đánh giá, tiến độ thực hiện các dự án từ nguồn vốn này là chậm và kéo dài, giải ngân không đạt yêu cầu.
Lý giải vấn đề trên, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư (thông qua hồ sơ mời thầu tư vấn 2 thiết kế bản vẽ thi công; hồ sơ mời thầu xây lắp; kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp,...) mất rất nhiều thời gian, do phải chờ ý kiến không phản đối của Nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, công tác đấu thầu quốc tế cần thời gian dài, từ khi phát hành thư mời quan tâm đến khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu có thời gian tối thiểu là 20 tuần. Nhiều dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá cả thị trường đối với vật liệu thi công biến động tăng lớn dẫn đến tiến độ thi công chậm như Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam, Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị điều chỉnh về thời gian bố trí vốn phù hợp đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Kiến nghị với các Nhà tài trợ rút ngắn thời gian xem xét các tài liệu liên quan như: Đàm phán ký các Hiệp định, ý kiến không phản đối về kết quả đấu thầu, gia hạn thời gian thực hiện,... để địa phương và chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo, nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài. Hướng dẫn thủ tục đăng ký và giải ngân kế hoạch vốn viện trợ không hoàn lại.