Đời sống

Công đoàn Viên chức Việt Nam: Đổi mới, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới

N.T.D 02/07/2024 09:39

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, đứng đầu là các đồng chí Chủ tịch, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã từng bước trưởng thành, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Cùng với sự ra đời của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX dưới hình thức các hội, đoàn (Hội Ái hữu Viên chức ngành lục lộ Bắc Kỳ, Hội Trí tri của trí thức, Hội Quan nhạ của nghệ nhân, Hội Hợp thiện của Viên chức nghèo, Hội Ái hữu thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sau Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất, năm 1950 có Ban vận động thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn các cơ quan Chính phủ. Sau hòa bình (1954) có liên hiệp Công đoàn các cơ quan Trung ương (1957-1978)).

Công đoàn Viên chức Việt Nam ra đời không chỉ trên cơ sở các tổ chức tiền thân, trong xu thế chung của phong trào công nhân công đoàn quốc tế mà còn dựa trên những cơ sở thực tiễn hết sức quan trọng. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa VII), ngày 02/10/1993, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Quyết định số 1225/QĐ-TLĐ về việc cử Tiến sỹ Đinh Văn Phiêu, trợ lý Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng Ban vận động thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Kể từ khi chính thức hoạt động (tháng 12/1993), Ban vận động đã tiến hành nhiều hoạt động khẩn trương, thiết thực và có hiệu quả, trong đó có những đợt thăm dò ý kiến các nhà khoa học, các cán bộ lão thành của Tổng Liên đoàn, các cán bộ công đoàn cơ sở, các công đoàn bộ, ban, ngành Trung ương; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học tại Hà Nội và nhiều địa phương…nhằm xây dựng đề án thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam có căn cứ khoa học và thực tiễn trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sau 6 tháng hoạt động tích cực, ngày 19/5/1994, Ban vận động thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam đã có tờ trình và đề án về việc thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam. Tờ trình nêu rõ: “Đến nay, việc thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của công chức, viên chức nước ta, được các cấp công đoàn, các cơ quan Đảng, Nhà nước đồng tình ủng hộ và đây cũng là việc làm để thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Công đoàn Việt Nam là phải phát triển công đoàn ngành, nghề theo đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam; đồng thời Công đoàn Viên chức ở một số nước và Công đoàn quốc tế cũng tỏ thái độ sẵn sàng quan hệ hợp tác”.

Ngày 02/7/1994, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định số 739/QĐ-TLĐ thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam. Theo Quyết định này, Công đoàn Viên chức Việt Nam trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Viên chức Việt Nam chỉ đạo trực tiếp công đoàn các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể Trung ương đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo Công đoàn Viên chức tỉnh, thành phố. Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn Viên chức Việt Nam gồm 17 thành viên do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Lương – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VII làm Chủ tịch; Tiến sĩ Đinh Văn Phiêu làm Phó Chủ tịch thường trực; Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều làm Phó Chủ tịch.

ewggwgw.jpg
Ngày 15/8/1994, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), lễ ra mắt Công đoàn Viên chức Việt Nam đã được tổ chức trọng thể.

Ngày 15/8/1994, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), lễ ra mắt Công đoàn Viên chức Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Dự lễ ra mắt có các đồng chí: Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị; Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trương Mỹ Hoa – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Văn Tư - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đông đảo các vị đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, các hội, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội và một số địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, các ban chức năng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Trải qua ba thập kỷ lớn mạnh cùng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam là nơi có nhiều đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đề xuất các giải thưởng có sức lan tỏa rộng lớn.

Ra đời và lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới, 30 năm qua, Công đoàn Viên chức Việt Nam luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các chương trình, kế hoạch hoạt động công tác, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác.

Với số lượng đoàn viên chủ yếu làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, phục vụ tại các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị sự nghiệp và các hội quần chúng, suốt 30 năm qua, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tham mưu, đề xuất hầu hết các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước ta đạt được trong gần 40 năm đổi mới vừa qua.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển với 6 kỳ Đại hội, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã không ngừng phát triển đồng bộ với 2 hệ thống: Công đoàn Viên chức các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Công đoàn Viên chức tỉnh, thành phố.

uefewqqq.jpg
Các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 chụp ảnh lưu niệm.

Tại Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã xác định ba khâu đột phá chiến lược gồm:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, tập trung là Chủ tịch Công đoàn cơ sở có bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong hoạt động cơ quan, đơn vị, chú trọng Chuyển đổi Số trong hoạt động Công đoàn.

Hiện nay, Công đoàn Viên chức Việt Nam có 60 đơn vị trực thuộc (trong đó, có 25 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 35 Công đoàn cơ sở) với hơn 600 Công đoàn cơ sở; số lượng đoàn viên của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 2,2 vạn đoàn viên lúc mới thành lập (1994) đến nay đã lên trên 8,4 vạn đoàn viên.

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý của Nhà nước, các ngành, các cấp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn Viên chức Việt Nam được nhận Bằng khen và Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2013 Công đoàn Viên chức Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

"Với tiềm năng to lớn, các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong bối cảnh mới, đưa phong trào cán bộ, công chức, viên chức và hoạt động công đoàn ngày càng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và tổ chức Công đoàn vững mạnh", ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994-2/7/2024) đã nhấn mạnh.

N.T.D