“Bức tường lửa” nơi biên giới-Kỳ 3: Gian nan cuộc chiến với “tử thần”
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 28/09/2016
Đó là ý kiến của ông Lê Văn Giáp - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội huyện Quế Phong.
Cứ 3 - 4 ngày lại có một người mới nhiễm HIV
“Khi xây dựng các phương án nhằm phòng chống HIV/AIDS, đã có nhiều ý kiến băn khoăn: “Chống “ết” là chống ết, sao lại phiên sang thành chống ma túy được?”. Nhưng tôi nghĩ, ma túy từ lâu nó đã là “con đường chính ngạch”, là “cây cầu ma quái” dẫn dụ con người ta đến với tử thần. Cứ 10 người dính “ết” thì có đến 9 người bị con vi rút chết người ấy nó chui vào cơ thể qua việc dùng chung kim tiêm chích hút? Vậy không chống, không ngăn tệ nạn ma túy, không phong tỏa “con đường chính ngạch”, chặt đứt “cây cầu ma quái” đó, liệu có thể kiềm chế người lây nhiễm HIV?”, ông Lê Văn Giáp chia sẻ.
Trên thực tế, qua con số thống kê của các cơ quan chức năng của huyện Quế Phong cũng làm bật lên một sự thật: Chỉ trong vòng hơn 10 năm bị “bão” ma túy hoành hành, ngoài 777 “con nghiện”, vùng đất biên viễn này còn phải đón nhận thêm hàng nghìn trường hợp nhiễm HIV. Cụ thể, nếu năm 2004, toàn huyện chỉ phát hiện khoảng 20 đối tượng, thì tính đến tháng 6/2016, con số này đã lên tới 1261 người (đã tử vong 518 người).
“Nếu chia đều con số đó cho 12 năm, tức xấp xỉ 4500 ngày, trung bình cứ 3-4 ngày, Quế Phong lại có thêm một người mới nhiễm HIV. Thế nên, nếu không ngăn chặn, kiểm soát 777 “ông nghiện”, “bà nghiện” mà trong đó có tới 70% đã bị nhiễm con vi rút chết người kia bằng cách vận động họ tham gia điều trị Methadone, ARV hay đi cai nghiện bắt buộc, thì ai dám chắc họ sẽ không đi truyền hoặc bị nhiễm bệnh từ người khác, khi họ được “thả rông” ngoài xã hội?”, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong phân tích.
Thông thường, mỗi khi “đói thuốc”, mấy “con nghiện” ở đây chỉ lo kiếm sao cho được tải thóc, bao ngô, nồi niêu xoong chảo hay bất cứ thứ gì giá trị để đổi ma túy, rồi cuống cuồng lôi nhau ra bờ rừng hốc đá vén quần, kéo áo tìm ven mà chích choác chứ có mấy người kịp nghĩ, kịp hỏi xem “thằng bạn nghiện” của mình có “ết” hay không. Đến ngay cả khi đã biết mình nhiễm HIV, nhiều người vẫn hồn nhiên lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Lời dặn dò của cán bộ trôi bay như gió thổi đỉnh rừng.
Chính vì những u mê, mông muội và có phần liều lĩnh đến vô trách nhiệm ấy mà rất nhiều “con nghiện – bệnh nhân HIV” ở Quế Phong đã đẩy gia đình, người thân của mình vào bi kịch. Tính trên toàn huyện có đến 186 trường hợp vợ chồng lây nhiễm cho nhau, rồi người nọ tiễn người kia về nơi “chín suối”, gia đình tan nát nhanh như một cái phủi tay. Có những ông bố chỉ trong vòng vài tháng phải chứng kiến hai con trai mình lần lượt “bị “ết” biến thành người thiên cổ”, như trường hợp ông Lương Văn Hà, 64 tuổi, ở bản Nà Sành, xã Tiền Phong. Giờ trong căn nhà còm cõi nằm rìa bản Nà Sành, ông Hà vừa phải chăm sóc cho mấy đứa cháu, vừa lo không biết con dâu mình có thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong tư vấn cho người bệnh
Để ngăn không cho những bi kịch ấy tiếp tục xảy ra, quyết giành giật người bệnh từ tay “tử thần”, chỉ trong vòng 2 năm qua, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong đã lập đến gần 20 điểm phát xi lanh, kim tiêm cùng với bao cao su miễn phí. “Con nghiện” ngại ngùng, sợ “mất thể diện” không đến lấy, cán bộ y tế thôn bản lại dốc ngược người leo núi mang đến tận nhà. Sách vở, tài liệu về phòng chống HIV/AIDS được dịch in thành đủ thứ tiếng như Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú cũng được Cộng tác viên hoặc Nhân viên tiếp cận cộng đồng leo lên tận nương, dúi vào tận tay, nhét cả vào quẩy tấu, lù cở của đồng bào…
Từng bước thay đổi nếp nghĩ của đồng bào
“Song song với công tác quản lý, tổ chức cai nghiện, nhất là đối với những đối tượng vừa nghiện ma túy vừa nhiễm HIV, việc quan trọng nữa là phải vận động những người nghi nhiễm đi khám, làm xét nghiệm và điều trị. Nhưng đôi khi việc đó còn khó gấp trăm lần. Nhiều lúc cán bộ đến nhà vận động, người ta còn đuổi như đuổi tà ấy chứ. Họ bảo: “Cán bộ đừng vào nhà tao chơi nữa, hàng xóm xì xào bàn tán, con cái tao làm sao dựng vợ gả chồng? Mà mấy đứa trẻ nhà này có làm sao đâu, chúng nó chỉ nghiện thôi mà!”. Thậm chí có những xóm bản chỉ cần nhác thấy bóng anh em cán bộ Trung tâm bì bõm lội ngoài đầu suối là nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, nhất định không chịu tiếp. Họ sợ, sợ con cháu mình mang tiếng là bị “ết”…”, ông Trung kể.
Không nản lòng, ông Trung cùng các anh em trong đơn vị vẫn kiên trì phối hợp với các cơ quan đoàn thể khác như Công an, Biên phòng, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Câu lạc bộ phòng chống HIV… xuống tận từng thôn, tìm gặp các già làng trưởng bản hoặc những người có uy tín trong cộng đồng, nhờ họ tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào động viên người thân của mình đi khám chữa bệnh. Mãi rồi cũng có vài gia đình xuôi lòng. Rồi người đi trước tiếp tục làm công tác vận động người chưa đi, cứ thế, chẳng mấy chốc số lượng người đến Trung tâm Y tế huyện làm xét nghiệm HIV ngày càng đông.
Kể từ khi triển khai Mô hình Phòng khám 3 trong 1 (Tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí + Điều trị ARV + Điều trị Methandone) vào tháng 8/2010 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong đã tiến hành làm xét nghiệm sàng lọc cho 5873 người, phát hiện 765 người có kết quả dương tính với HIV. Hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn huyện là 743 người.
“Mỗi khi đau ốm, đồng bào ở đây thường tìm đến các thầy lang, thầy mo trong vùng nhờ cúng bái, chứ chả mấy khi họ vượt rừng đến trạm xá hay các trung tâm y tế. Giờ muốn họ thay đổi quan điểm, chấp nhận điều trị bằng thuốc ARV thì phải vận động thôi. Vận động người già trước, người trẻ sau; thuyết phục cán bộ, đảng viên gương mẫu cho con em mình đi khám trước tìm quần chúng nhân dân khắc học theo… Cứ đi mãi rồi cũng vận động được mà!”, Y sỹ Thò Bá Hơ, cán bộ Trạm Y tế xã Tri Lễ, chia sẻ.
Ở Tri Lễ, có những bản như Nậm Tột, đường vào cuồn cuộn từng khoanh chả khác gì con mãng xà chao mình giữa các đỉnh núi mây mù. Cán bộ Hơ đi mãi, đi từ lúc mặt trời trên đỉnh đầu đến khi lau lách mờ dần, bóng tối bịt bùng ụp xuống thì mới gặp được vài căn nhà sàn ềm ệp trong sương. Xa xôi, cách trở là thế, đến “đường nhựa còn không bò vào được”, vậy mà có những thời điểm Nậm Tột có đến cả chục thanh niên bị “con ma túy, con HIV nó “bò” vào đem đi mất”. “Mệt cũng phải đi thôi, chứ chờ đồng bào đến với mình lâu lắm. Ai không tự đi được, mình chở đi luôn. Đi nhờ thôi, chứ đồng bào làm gì có tiền”, cán bộ Hơ tâm sự.
Đồng bào được Phó Chủ tịch xã Tri Lễ Thò Bá Xô đưa đón đi khám chữa bệnh
Chả cứ gì cán bộ Hơ, mà ngay cả Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Thò Bá Xô lâu nay cũng tự “xung” mình vào “đội quân tuyên truyền viên kiêm xe ôm bất đắc dĩ” của xã. Cứ mỗi lần Trung tâm Y tế huyện tổ chức đợt khám, lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp phát thuốc ở đâu đó, người ta lại thấy xe máy của anh Xô nhảy chồm chồm trên đá cuội, len lỏi vào hết xóm này đến bản khác, chở hết người này đến người kia. Anh Xô chở nhiều đến nỗi, đồng bào nghĩ đó là… công việc chính của một Phó Chủ tịch ủy ban. Họ gọi anh bất cứ khi nào muốn xuống huyện khám, hoặc đi lấy thuốc, gọi ngay cả khi anh đương đứng giữa hội nghị dưới tỉnh đọc báo cáo điển hình về công tác phòng chống HIV/AIDS.
Đưa dịch vụ y tế về xã, bản
Với đặc thù là huyện miền núi với hầu hết các xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, dân cư trên địa bàn chủ yếu là đồng bào thiểu số …, những yếu tố đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV của những người nhiễm HIV ở Quế Phong. Để khắc phục tình trạng đó, từ đầu năm 2015, Trung tâm Y tế huyện đã liên tục tổ chức các đợt tư vấn, xét nghiệm lưu động, kết hợp với việc cho xây dựng Phòng xét nghiệm bằng Test nhanh tại 3 xã: Châu Thôn, Đồng Văn và Cắm Muộn. Kể từ khi 3 Phòng xét nghiệm này đi vào hoạt động, việc đi lại để thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc HIV của đồng bào cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Hiệu quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS cũng vì thế mà được nâng lên.
Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, chia sẻ: “Dự tính đến khoảng cuối năm 2016, đầu 2017, với phương châm “Đưa dịch vụ y tế về xã, bản”, chúng tôi sẽ đưa thuốc điều trị ARV về đến 6 Điểm, Cụm xã có số bệnh nhân trên 50 người là Châu Thôn, Châu Kim, Đồng Văn, Cắm Muộn, Mường Nọc, Tiền Phong. Sau đó, đơn vị cũng sẽ hoàn tất hồ sơ và chuyển toàn bộ bệnh nhân sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện, để họ được hưởng bảo hiểm xã hội”.
Y sỹ Thò Bá Hơ làm thủ tục cho bệnh nhân điều trị bằng ARV
Bên cạnh công tác xét nghiệm, sàng lọc và điều trị, Trung tâm Y tế còn phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức nhiều buổi mít tinh, diễu hành nhằm tuyên truyền kiến thức về phòng chống HIV/AIDS với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, thu hút đông đảo đồng bào, nhất là những đối tượng nhiễm, hoặc nghi nhiễm HIV tham dự. Cùng chung tay với y tế, các ban ngành, cơ quan đoàn thể trên địa bàn huyện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, việc làm, tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người bệnh tham gia, giúp họ dần xóa bỏ mặc cảm, ngày càng hòa mình vào với cộng đồng.
Các mô hình Câu lạc bộ Người nhiễm HIV, Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, giúp nhau làm kinh tế gia đình; hay các phong trào, buổi sinh hoạt, tọa đàm như “Hãy nói Không với tình dục không an toàn”, “Chung tay vì người nhiễm HIV” hay “Chúng ta là bạn, hãy cùng nhau xóa đói giảm nghèo” cũng được chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức và ngày càng được nhân rộng ra ở nhiều xã, bản như Tri Lễ, Mường Nọc, Tiền Phong. Huyện đoàn cũng đứng ra tổ chức 25 lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng, kiến thức về tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho hơn 3200 lượt đoàn viên, thanh niên. Số đoàn viên, thanh niên này lại tỏa về các xã, bản tiếp tục triển khai phổ biến đến các cụm dân cư…
Cứ thế, với sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Quế Phong đã và đang có nhiều khởi sắc. Điều đó thể hiện không chỉ ở việc giảm những ca nhiễm mới, mà ngay cả số người tử vong cũng năm sau thấp hơn nhiều năm trước. Có thể nói, cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ, giành sự sống cho đồng bào từ tay “tử thần” ở vùng đất tuyệt mù xa ngái này sẽ còn dai dẳng và khốc liệt. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mỗi người dân ở đây có quyền hy vọng về một ngày mai tươi sáng, về một vòm trời sạch. Vì bên cạnh họ, luôn có những người cán bộ mẫn cán đang ngày đêm dốc sức dựng lên “Bức tường lửa” vững chắc nơi biên giới.
Bệnh nhân Thò Y May, ở bản Tà Pàn, xã Tri Lễ: “Ngày trước, cán bộ xã cũng đã đến vận động đi xét nghiệm, nhưng nhà xa quá, tôi không đi được. Sau nhờ Phó Chủ tịch Xô đưa đi “khám lưu động” ở Châu Thôn, tôi mới biết mình bị HIV. Thấy cán bộ bảo bệnh đấy làm chết người. Tôi không muốn chết đâu. Thế thì phải uống thuốc thôi. Bận đi nương, cán bộ cho thuốc uống đủ một tuần. Hết lại ra lấy, rồi cán bộ Xô chở về. Thỉnh thoảng cán bộ còn cho xem kịch, thấy hay và đã biết sợ “con HIV” với “con ma túy”. Giờ tôi khỏe rồi, ăn được, ngủ được. Cảm ơn các cán bộ nhiều lắm!”. |