Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tỉnh Hậu Giang
Sáng 1/7, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV.
Sẽ có chính sách ưu tiên thúc đẩy các tỉnh còn nhiều khó khăn
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao đổi, làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm.
Về đề xuất của cử tri Bùi Tri Thức (Báo Hậu Giang) đối với cơ chế chính sách đặc thù cho 3 tỉnh Hậu Giang, Đắk Nông, Điện Biên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó: tỉnh Điện Biên thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, được quy định tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022; tỉnh Đắk Nông thuộc vùng Tây Nguyên được quy định tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022; tỉnh Hậu Giang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long được quy định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022.
Chủ tịch Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ lưu ý trong quá trình sơ kết, tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đang được áp dụng tại một số địa phương; trong đó sẽ nghiên cứu, lưu ý có các chính sách ưu tiên để thúc đẩy các tỉnh còn có nhiều khó khăn.
Luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện
Trả lời kiến nghị của cử tri Nguyễn Thanh Điền (huyện Vị Thủy) về ổn định giá điện và bỏ cách tính tiền điện như hiện nay (thang, bậc), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề cử tri nêu đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, theo dõi, giám sát thời gian qua.
Trong đó, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Theo đó, Đoàn giám sát đã nhận định “Giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường; các tín hiệu thị trường trong khâu phát điện và truyền tải điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 về nội dung giám sát, UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu “điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá”, “sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, nhưng đồng thời phải “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Điện lực và các văn bản có liên quan (như: Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của cử tri; đồng thời nêu rõ, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát nội dung nêu trên, đặc biệt là việc thực hiện kiến nghị giám sát tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 như đã nêu.
Hỗ trợ tối đa đóng BHXH cho người lao động
Về kiến nghị của các cử tri Lê Nghĩa (TP. Ngã Bảy), cử tri Trương Tấn Thành (huyện Châu Thành), cử tri Đặng Văn Nuôi (huyện Châu Thành A)... liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó đã quy định việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền hưởng BHXH là các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); cùng các chế tài xử lý các hành vi này (các Điều 38, 39, 40, 41 của Luật).
Cùng với đó, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã quy định 2 nội dung: Một là, Giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động trước ngày 1/7/2024. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng BHXH cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hai là, giao Chính phủ trình UBTVQH ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH và Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.
Tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ biên chế
Trả lời kiến nghị của cử tri Huỳnh Bích Thủy (TP. Vị Thanh) về việc không thực hiện cắt giảm biên chế 10% hàng năm đối với ngành giáo dục, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 và Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, giai đoạn 2022-2026 phải thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021.
"Tuy nhiên, Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026. Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông; chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ biên chế được cấp có thẩm quyền giao", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục; phương án đề xuất bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất nhận thức, quan điểm, có giải pháp để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền, các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.