Nhà khoa học thảo luận xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm Lai Châu
Các chuyên gia hàng đầu từ 2 quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc đã chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho cây Sâm Việt Nam và các sản phẩm từ Sâm này. Tại hội thảo, Hồng sâm Lai Châu lần đầu tiên được công bố thành phần và tác dụng dược lý.
Hội thảo Khoa học với chủ đề “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” khai mạc sáng 27/6 tại Viện nghiên cứu Khoa học & công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc do chính viện này tổ chức. Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về sâm và dược liệu trong khu vực châu Á như GS Park Jeong Hill (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc); TS Lê Quang Thảo (Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương); TS Phạm Hà Thanh Tùng (Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam)
Phát biểu khai mạc, PGS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST cho biết Hội thảo về Sâm Việt Nam năm 2024 do Viện VKIST tổ chức sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và địa phương (đặc biệt là tỉnh Lai Châu), trong việc nghiên cứu và phát triển cây sâm Việt Nam và các sản phẩm từ sâm, học tập các kinh nghiệm đi trước của Hàn Quốc.
Ông cho hay: “Hội thảo sẽ mở ra những cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật đã thành công của một trong những quốc gia đi đầu về nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ nhân sâm”.
Tại hội thảo, TS Phạm Hà Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam, kỳ vọng thông qua hội thảo, Việt Nam sẽ sớm xây dựng và áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn chất lượng cho cây sâm Việt Nam để ai ai cũng được sử dụng các sản phẩm từ sâm chất lượng. TS Phạm Hà Thanh Tùng là một trong những nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu về Sâm Lai Châu. Viện Nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam do ông đứng đầu, chịu trách nhiệm nghiên cứu tiêu chuẩn hóa, đưa ra bộ tiêu chuẩn cơ sở về quy trình nuôi trồng, chăm sóc, theo dõi, thu hái, chế biến và bảo quản chuẩn 7 bước với cây Sâm Lai Châu. Quy trình này đang được áp dụng và thử nghiệm tại vườn Sâm Lai Châu của Thái Minh tại Sìn Hồ, Lai Châu. Việc áp dụng quy trình này không chỉ giúp hàm lượng hoạt chất MR2 trong củ Sâm ở mức cao gấp 8-10 lần tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam mà còn rất an toàn, không chứa các chất độc hại cho cơ thể.
Theo TS Tùng bộ tiêu chuẩn Sâm chuẩn 7 bước cho cây Sâm Lai Châu góp phần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất cho các sản phẩm như sâm tươi, rượu sâm, trà sâm, sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng chất xám cao khác. Hiện nay, TS Tùng và nhóm nghiên cứu đã có thành quả về nghiên cứu ứng dụng sâm Việt Nam, đó là sản phẩm Hồng Sâm Lai Châu đầu tiên trên thị trường.
Do thói quen người Việt, sâm Lai Châu chủ yếu được sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Nhận thấy tiềm năng to lớn, nhóm nghiên cứu của TS. Tùng đã tập trung phát triển công nghệ chế biến hồng sâm Lai châu, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho sâm Việt Nam, tương tự như thành công của ngành sâm Hàn Quốc.
TS Tùng cho biết thách thức lớn nhất trong quá trình chế biến Hồng sâm Lai Châu là khử vị đắng gắt có trong củ sâm tươi. Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc phát triển một quy trình sơ chế đặc biệt không chỉ loại bỏ được phần lớn vị đắng mà còn giữ được các thành phần quý trong Sâm Lai Châu như MR2. Việc chế biến Hồng Sâm Lai Châu này cũng giúp cắt nhỏ các hoạt chất như Rg1, Rb1 thành những hợp chất nhỏ hơn giúp tăng khả năng hấp thu. Từ đó nâng cao hiệu quả khi sử dụng.
Hồng sâm Việt Nam là sâm tươi được chế biến bằng quá trình hấp và sấy. Một số nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng hồng sâm Việt Nam có tác động tích cực đối với sức khỏe con người như ức chế tế bào ung thư, tác dụng chống oxy hóa và tác dụng chống viêm. Cụ thể, quá trình chế biến sâm đã làm tăng hàm lượng các ginsenosid kém phân cực như G-Rg3, G-Rg5, G-Rk1, đồng thời gia tăng tác dụng ức chế tăng trưởng tế bào. Sau quá trình chế biến, các chất chuyển hóa từ những chất có khung Ocotilol như vinaginsenosid R2 (VR2), Majonosid-R2 (MR2) giúp ngăn chặn biểu hiện các cytokin tiền viêm gây bởi Lipopolysacchcarid (LPS) bằng cách ức chế gắn kết LPS vào thụ thể Toll-Like receptor 4 (TLR4) trên đại thực bào, từ đó cải thiện tình trạng viêm. Ngoài ra, hoạt chất MR2 có trong Hồng sâm Việt Nam được chứng minh thể hiện hoạt tính mạnh chống thúc đẩy khối u gan thử nghiệm trên chuột.
Trong phần thảo luận sau báo cáo, GS. Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bí thư Thành uỷ Hồ Chí Minh cho rằng: VKIST cần phối hợp với các bộ ngành liên quan xúc tiến triển khai sớm nhất việc đưa ra tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm, có thể thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam để thực hiện và triển khai các hoạt động. Bởi không biết tiêu chuẩn thì không tiếp thị được, uống không biết khoẻ vào đâu, hàng thật hàng giả, nước ngoài cũng không biết nên dùng hay không.
Đây là năm thứ hai Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tổ chức hội thảo khoa học về sâm kể từ năm 2023. Đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo chuyên đề sâu về việc nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Sâm nói riêng và từ thảo dược nói chung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc tìm được nhiều sự hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm trong tương lai.