Từ 1/7, nhiều luật mới chính thức có hiệu lực
Từ hôm nay 1/7/2024, 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Căn cước 2023; Luật Giá 2023; Luật Tài nguyên nước 2023; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Phòng thủ dân sự 2023.
Luật căn cước: Trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua tháng 11/2023, hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước gồm: Ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Luật quy định Cơ sở dữ liệu căn cước được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý để quản lý dân cư, quản lý căn cước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thay vì chỉ cấp căn cước cho công dân trên 14 tuổi như luật hiện hành, Luật vừa được thông qua quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Luật cũng cho phép người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Mã QR trên thẻ căn cước chỉ cho phép khai thác thông tin in trên thẻ để công dân thực hiện một số giao dịch có liên quan. Chip điện tử trên thẻ có công nghệ xác thực sinh trắc học. Chủ thẻ phải đồng ý bằng phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt thì dữ liệu trong chip mới có thể được đọc và truy xuất. Nếu không có thao tác này, không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Từ 1/7/2024, khi người dân làm thẻ căn cước, công an sẽ thu thập mống mắt, vân tay, hình ảnh khuôn mặt để bổ sung vào cơ sở dữ liệu; riêng dữ liệu ADN và giọng nói không bắt buộc.
Cũng theo luật mới, nhà chức trách sẽ thu thập thông tin ADN và giọng nói của người dân khi làm thẻ căn cước, nếu họ tự nguyện cung cấp. Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự hoặc cơ quan quản lý người bị xử lý hành chính khi giải quyết vụ việc có giám định hoặc thu thập ADN, giọng nói của người dân, thì chia sẻ với cơ quan quản lý căn cước để bổ sung vào cơ sở dữ liệu.
9 hàng hóa được nhà nước bình ổn giá
Luật Giá sửa đổi hiệu lực từ ngày 1/7 quy định biện pháp bình ổn giá. Danh mục gồm 9 hàng hóa, dịch vụ là: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm, phân DAP, phân NPK; thức ăn chăn nuôi; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là loan tin không đúng sự thật gây nhiễu loạn thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai để tăng giá bán hàng hóa...
Khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân đảm an ninh nguồn nước quốc gia
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều. Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng cho đến khi được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật là bảo đảm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý trong bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án kể trên sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Cùng có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện: từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi nộp đơn; có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thành viên Tổ an ninh cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng và mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia.
Quy định cụ thể về hoạt động OTT
Luật Viễn thông (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 1/7 tập trung vào quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT). Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT có nghĩa vụ ngăn chặn kết nối, địa chỉ Internet, tên miền với hệ thống thiết bị, dịch vụ ứng dụng viễn thông sử dụng nhằm chống lại Nhà nước; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, các đơn vị viễn thông cũng được yêu cầu cung cấp dịch vụ cho người sử dụng có thông tin thuê bao đầy đủ, trùng khớp thông tin trên giấy tờ tùy thân đã xuất trình khi giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật; ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm quy định của pháp luật; ngừng cung cấp dịch vụ đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu lực từ 1/7 xác định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm: Người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo.
Để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật mới quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Luật cũng siết hoạt động bán hàng đa cấp. Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Bắt người khác phải đặt cọc, nộp tiền/mua hàng để tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối khiến người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp nhầm lẫn. Ngoài ra, kinh doanh đa cấp với dịch vụ/hình thức khác không phải mua bán hàng hóa cũng là hành vi bị nghiêm cấm.
Nhiều ưu đãi cho hợp tác xã có điều kiện phát triển
Luật Hợp tác xã sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 bổ sung nhiều quy định về ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; được ưu tiên bố trí quỹ đất để sản xuất kinh doanh.
Theo đó, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất, đất có mặt nước của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh thì được miễn, giảm tiền thuê. Trường hợp thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sản xuất, kinh doanh thì được Nhà nước hỗ trợ tiền. Nhà nước tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng đất ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai...
Hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử hiệu lực từ ngày 1/7 quy định các hình vi bị nghiêm cấm gồm: Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh, trật tự, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Thu thập, cung cấp, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép thông điệp dữ liệu. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật cũng nằm trong số hành vi bị cấm.
Trong nhóm hành vi còn có gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
Can thiệp sớm với tổ chức tín dụng hoạt động không hiệu quả
Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiệu lực từ 1/7. Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, Luật quy định việc công khai báo cáo tài chính, trừ trường hợp ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, Thủ tướng có quyền quyết định khoản cho vay đặc biệt với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% một năm. Với khoản vay đặc biệt có lãi suất, tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Ngân hàng hợp tác xã sẽ quyết định khoản vay đặc biệt với quỹ tín dụng nhân dân.
Luật cũng bổ sung quy định về quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ tổ chức tín dụng... nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu và tránh rủi ro mỗi ngân hàng ảnh hưởng tới an toàn hoạt động hệ thống tín dụng.
Lập Quỹ phòng thủ dân sự
Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7 cho phép lập Quỹ phòng thủ dân sự. Đây là nguồn được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.
Quỹ được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.