Chuyện kể từ Nhật Bản về Việt Nam: TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa - nữ tiến sĩ trẻ với ước muốn nâng cao vị thế ngành giải phẫu bệnh
Bén duyên với ngành Giải phẫu bệnh (GPB) khi làm luận văn tốt nghiệp, TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa cũng không ngờ chính từ thời điểm đó, niềm đam mê và tình yêu với chuyên ngành đặc biệt này đã rẽ hướng cuộc đời chị.
Gặp TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa - vị “thuyền trưởng” tài ba của Trung tâm Giải phẫu bệnh MEDLATEC, chúng tôi đều ấn tượng với nụ cười thân thiện, vóc dáng nhỏ nhắn, những bước chân thoăn thoắt di chuyển đến các phòng ban trong nhịp làm việc khẩn trương. Nhưng hơn tất cả là ánh mắt đầy say mê khi kể về chuyện nghề, chuyện đời của chị!
TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Y Hà Nội và hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh Tiến sĩ - Ph.D., chuyên về giải phẫu bệnh kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (A.I.) tại Đại học Nagasaki, Nhật Bản. Chị hiện là Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh MEDLATEC. Nữ tiến sĩ trẻ tuổi luôn trăn trở với việc phát triển ngành Y đặc thù này tại Việt Nam.
Được biết, chị nhận học bổng toàn phần cho khóa nghiên cứu sinh chuyên ngành tại Nhật Bản ngay khi vừa tốt nghiệp Thạc sĩ ở Việt Nam. Những kinh nghiệm công tác ở nước ngoài đã giúp chị áp dụng tại Trung tâm Giải phẫu bệnh MEDLATEC ra sao?
Năm 2015, tôi tốt nghiệp Thạc sĩ ở Đại học Y Hà Nội. Trước khi tốt nghiệp, tôi đã tìm kiếm cơ hội và đỗ học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật.
Ở đây tôi may mắn được Giáo sư Fukuoka - Trưởng khoa Giải phẫu bệnh của Trường Đại học Nagasaki - chuyên gia hàng đầu và tiên phong về lĩnh vực Giải phẫu bệnh kỹ thuật số (GPB KTS) ở xứ sở hoa anh đào - đặt cho những nền móng đầu tiên về con đường nghiên cứu và áp dụng chuyển đổi số trong Giải phẫu bệnh. Thầy đã giúp tôi có được niềm đam mê vô cùng lớn với chuyên ngành mới mang tính thời đại “nóng hổi” này.
Dấu ấn sâu đậm nhất của tôi trong quãng thời gian học tập tại Nhật Bản là được sang nước Mỹ 2 lần. Lần thứ nhất là việc giao lưu học tập và nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson - trung tâm ung thư lớn nhất và là một trong ba trung tâm ung thư toàn diện đầu tiên của nước Mỹ, nơi tôi đã được tham gia cùng các nhóm nghiên cứu hàng đầu và kết quả nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí nổi tiếng trên thế giới. Lần thứ 2, tôi tham gia báo cáo trong Hội thảo GPB KTS của Mỹ và vinh dự giành giải “Poster xuất sắc nhất dành cho hạng mục phân tích hình ảnh năm 2018”. Tiếp tục theo đuổi chủ đề GPB KTS đã giúp tôi có thêm các bài báo trên các tạp chí khác nhau và kinh nghiệm quý báu để sau này trở về quê hương xây dựng và phát triển chuyên ngành còn non trẻ này.
Những trải nghiệm ở Nhật Bản thực sự là bước ngoặt cuộc đời, giúp tôi rẽ hướng và kiên định theo đuổi niềm đam mê.
Vì sao TS.BS Ngọc Hoa lựa chọn trở về nước?
Thật ra tôi trở về với hai lý do là gia đình và công việc. Nhật Bản có môi trường rất tốt dành cho nghiên cứu, học tập và sinh sống. Tuy nhiên, chỉ có trở về Việt Nam tôi mới có thể vận dụng những hiểu biết mới để góp phần xây dựng cho ngành Giải phẫu bệnh ở Việt Nam phát triển hơn, đặc biệt là với mảng GPB KTS vẫn còn rất non trẻ. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục được cống hiến, thực hành chẩn đoán bệnh cho người dân - điều mà không dễ thực hiện được ở nước ngoài khi phần lớn các nghiên cứu sinh ở lại chỉ có thể tiếp tục con đường nghiên cứu. Thêm nữa, Việt Nam là quê hương, nơi tôi có gia đình và những người thân yêu, không dễ gì mà rời xa được.
Thưa TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa, chị từng chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện chị quyết định theo ngành GPB, không phải vì định hướng của gia đình mà bởi cảm thấy hứng thú với ngành còn mới lạ ở Việt Nam. Vậy sau hơn 1 thập kỷ theo đuổi ước mơ GPB, đến hiện tại, có lúc nào chị cảm thấy nuối tiếc về sự lựa chọn này?
Tôi nghĩ với ai cũng vậy, nếu nói chưa từng nản lòng trong suốt quá trình làm việc thì không thực tế, với tôi có lẽ là “nghề chọn người” hơn “người chọn nghề”. Tuy nhiên, tôi may mắn được nhân tình yêu lên với công việc qua từng năm tháng. Tôi nghĩ mọi thứ trên đời đều có một chữ “Duyên”.
Ở Việt Nam hiện nay, GPB vẫn là mảng “phía sau” do không tiếp xúc trực tiếp nhiều với người bệnh. Nhưng chẩn đoán GPB có thể giúp chúng ta hiểu sâu về bản chất của bệnh tật, giúp bác sĩ lâm sàng chẩn đoán đúng bệnh, định hướng điều trị chính xác và sẽ cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Trong công việc tôi chưa bao giờ nghĩ mình như “siêu nhân cứu thế giới” mà chỉ tâm niệm làm thế nào tốt nhất trong khả năng - đó là sứ mệnh của đội ngũ y bác sĩ nói chung và với riêng tôi.
“Giải phẫu bệnh với tôi là sự giao thoa giữa khoa học với nghệ thuật và tôi khát khao nâng tầm vị thế ngành GPB trên bản đồ Y khoa”
- TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa -
GPB là để chẩn đoán bệnh nhưng lại khác với những ngành lâm sàng vì chúng tôi chẩn đoán dựa trên hình ảnh vi thể lấy từ tiêu bản tế bào, mô… của con người. Những hình ảnh đó được nhuộm màu và phóng đại qua lăng kính hiển vi trông giống như một bức tranh nghệ thuật. Tôi thường đùa với đồng nghiệp rằng chẩn đoán GPB giống như xem một bức tranh Picasso và phải cố hiểu xem tranh đó nói cái gì. Vậy nên trong khoa học vẫn có nghệ thuật, không đơn thuần khô khan mà lại thú vị. Kiến thức GPB phải học bao la rộng lớn và các bác sĩ GPB luôn phải tìm hiểu, cập nhật liên tục. Việc bác sĩ GPB nào cũng có một tủ sách “gối đầu giường” về GPB với những cuốn sách dày như những quyển từ điển là chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, tôi đánh giá vị thế của GPB ngay trong ngành Y vẫn chưa tương xứng với giá trị thật. GPB tuy được xếp vào ngành cận lâm sàng nhưng lại là tiêu chuẩn vàng cho nhiều loại bệnh lý.
Nhiều nơi ở các tỉnh thành khi tôi đi đào tạo, GPB vẫn còn rất sơ khai và không được đầu tư đúng mực. Chính vì lý do này khiến tôi quyết tâm tiếp tục đi tới các bệnh viện trong cả nước để trao đổi, chuẩn hóa kiến thức và nêu lên giá trị thật của GPB cho cộng đồng ngành Y. Tôi xem đây cũng là một phần sứ mệnh của mình.
Theo TS.BS Ngọc Hoa, hiện tại Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình phát triển ngành GPB?
GPB là ngành khá thiếu nhân sự, không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới. Ở Mỹ hay châu Âu, tình trạng thiếu nhân sự ít hơn nhưngt thiếu nhiều nhất là ở các nước đang phát triển.
Ở nước ngoài chất lượng nhân sự sẽ đồng đều nhau hơn giữa bệnh viện tuyến lớn hay nhỏ do cùng tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe.
“Tôi thường đùa với đồng nghiệp rằng chẩn đoán GPB giống như xem một bức tranh Picasso và phải cố hiểu xem tranh đó nói cái gì. Vậy nên trong khoa học vẫn có nghệ thuật, không đơn thuần khô khan mà lại thú vị.”
- TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa -
Về mặt chuyên môn, tôi nhận thấy các bác sĩ tuyến đầu ở Việt Nam rất giỏi, không thua kém bất kỳ bác sĩ nước ngoài nào. Các bác sĩ giỏi học nội trú ở trường đại học lớn, thông thường chủ yếu làm việc ở tuyến Trung ương (TW) - nơi tập trung rất lớn bệnh nhân, đó cũng là cơ hội để các bác sĩ được mài giũa chuyên môn và nâng cao tay nghề.
Nhưng ở các tuyến xa hơn, nhân sự của GPB còn khá mỏng và thiếu thốn rất nhiều. Nguyên nhân một phần như tôi đã nêu trên, do vị thế GPB chưa được hiểu đúng mức. Hiện tại GPB vẫn thiếu về số lượng nhân sự và chưa được đầu tư cả về chất lượng, đặc biệt là ở tuyến huyện, tuyến tỉnh. Với xu hướng số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng tăng lên, tôi tin là GPB sẽ ngày càng được quan tâm và được nhìn nhận lại đúng với bản chất thật của nó.
Chúng tôi hiểu những trăn trở và khát khao thay đổi vị thế trong ngành Giải phẫu bệnh nơi chị. Bằng chứng là những chuyến đào tạo chuyên môn tại Trung tâm và khắp các tỉnh thành đều được chị chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Điều này mang lại ý nghĩa lớn đối với các đơn vị y tế còn non trẻ trong ngành. Ngoài ra, chị có mong muốn gì ở mỗi buổi đào tạo như thế?
Trung tâm GPB MEDLATEC Việt Nam hội tụ rất nhiều chuyên gia từ các bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, Viện 103, Học viện Quân y. Tôi được làm việc và học hỏi rất nhiều từ các Thầy/Cô là những cây đại thụ về lâm sàng, cận lâm sàng. Ngoài ra, chúng tôi có sinh hoạt chuyên môn, đào tạo hàng tuần, có hội chẩn liên chuyên khoa, hội chẩn từ xa với các bác sĩ. Trung tâm chúng tôi là trung tâm đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chuẩn chất lượng của CAP (Hiệp hội Bệnh học Hoa Kỳ) - chứng nhận đảm bảo cho chất lượng chẩn đoán chuyên môn. Để đạt được như vậy, chúng tôi phải thường xuyên tham gia đào tạo, đánh giá liên tục của Hội. Riêng với ngành GPB, chuyên môn chẩn đoán cần đặt lên hàng đầu, do đó tất cả các hoạt động trên đều được chúng tôi quyết tâm thực hiện ngay từ những buổi đầu thành lập trung tâm và giữ vững cho đến giờ.
Tôi cũng thường xuyên tham gia công tác đào tạo về GPB liên tỉnh, không chỉ nâng cao nghiệp vụ về ngành, thứ khiến tôi luôn canh cánh trong lòng là kết quả của người dân cần được trả nhanh chóng, chính xác, giúp cho quá trình điều trị của bệnh nhân tối ưu nhất có thể.
Một câu nói hay trích dẫn mà TS.BS Ngọc Hoa tâm đắc nhất và là “kim chỉ nam” cho cuộc sống của TS?
Tôi rất thích câu nói của nhà khoa học Stephen Hawking: “Thông minh là khả năng thích nghi với sự thay đổi”. Đó cũng chính là nền tảng cho thuyết tiến hóa của con người. Thông minh không nhất thiết phải có IQ cao, mà con người thông minh cũng cần như dòng nước, có thể uyển chuyển biến hóa không ngừng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là cốt lõi để dẫn đến thành công.
Mọi người thường nói nhiều về khó khăn của phụ nữ khi tiến sâu vào công tác nghiên cứu khoa học cũng như ở cương vị người đứng đầu của một đơn vị lớn. Nhưng ở chị, tôi đang thấy thể hiện ở một khía cạnh khác?
Cân bằng giữa công việc - gia đình là bài toán chung của tất cả mọi người, nhất là đối với những nữ quản lý. Ở vị trí càng cao, bài toán đó càng khó.
Tôi là người khá cầu toàn, làm gì đều mong hoàn hảo nhất - thật ra tính cách này vừa có ưu điểm lại vừa có nhược điểm. Tôi vừa muốn làm hết sức mình trong công việc, lại vừa muốn thể hiện tốt nhất trong gia đình. Để cân bằng được thì phải tìm giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài, ở đây tôi có sự hỗ trợ của gia đình và người thân. Tôi quan niệm, thời gian ít thì phải cố gắng làm sao cho hiệu quả nhất, có nghĩa mình ở đâu thì tâm phải ở đó. Thời gian dành cho con, dù chỉ có 1 hay 2 tiếng đồng hồ, ít nhưng phải chất lượng.
Trân trọng cảm ơn TS.BS Ngọc Hoa vì những chia sẻ đáng quý!