Yêu cầu rà soát lại phương án xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng
Cục Đường cao tốc VN yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại nhiều nội dung thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Theo phương án đề xuất, dự án có tổng chiều dài gần 61km. Trong đó, chiều dài tuyến đi qua địa bàn tỉnh Nam Định là gần 28km, qua tỉnh Thái Bình là hơn 33km. Điểm đầu tại Km 19+300 đầu cầu vượt sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối khoảng Km 80+240 tại nút giao giữa QL37 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, địa phận xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Thái Bình, Nam Định do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco. Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư quy mô đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án là gần 19.800 tỷ đồng.
Đối chiếu Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Đường cao tốc đánh giá phạm vi dự án, quy mô đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đề cập đến sự phù hợp của dự án với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương.
Về kết nối phục vụ dân sinh, Cục Đường cao tốc VN cho biết, trên cơ sở các tuyến đường hiện trạng và kết quả làm việc với các cơ quan của tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình, hồ sơ trình thẩm định bố trí khoảng gần 55km đường gom, 49 hầm chui dân sinh dọc tuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân hai bên tuyến cao tốc.
Xem xét cho thấy, một số vị trí hầm chui dân sinh kết nối với đường ngang, đường địa phương đề xuất tĩnh không khá lớn nhưng chưa làm rõ về quy mô quy hoạch, làm tăng chiều cao thiết kế trắc dọc, giảm hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc.
Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, trục đường quan trọng của địa phương giao cắt với đường cao tốc, Cục Đường cao tốc cũng yêu cầu phải nghiên cứu phương án đầu tư cầu vượt ngang thay vì phương án hầm chui qua đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với yêu cầu kết nối và tầm nhìn dài hạn.
Về nhu cầu vận tải, báo cáo khảo sát giao thông mới có bảng thống kê kết quả phỏng vấn lái xe, không có kết quả khảo sát lưu lượng xe. UBND tỉnh Thái Bình cần chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung khảo sát giao thông để tính toán nhu cầu vận tải, phương án tài chính, xác định sơ đồ nút giao, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật các nhánh trong nút giao.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Cục yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lựa chọn kịch bản tăng trưởng phù hợp, bổ sung tốc độ tăng trưởng các giai đoạn 5 năm để làm cơ sở dự báo nhu cầu vận tải phù hợp, cập nhật vào hồ sơ dự án. Bổ sung tính toán hệ số tăng trưởng xe theo các giai đoạn làm cơ sở cập nhật tính toán kết cấu mặt đường.
Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, nhu cầu vật liệu phục vụ thi công của dự án rất lớn. Tuy nhiên, hồ sơ trình thẩm định chưa xác định đầy đủ nguồn cung cấp vật liệu đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án. Cục Đường cao tốc đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, xác định cụ thể về nhu cầu vật liệu các loại. Rà soát xác định cụ thể về hiện trạng, quy hoạch các mỏ cát trên địa bàn tỉnh, xác định trữ lượng khai thác, điều kiện khai thác, thời hạn khai thác để làm rõ khả năng cung ứng đối với nguồn vật liệu cát.