An Giang: Chuỗi liên kết đổ vỡ, hàng chục hộ nuôi cá tra điêu đứng
Năm 2014, “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biên tiêu thụ cá tra Tafishco” được tỉnh An Giang khởi xướng thí điểm. Khi chuỗi liên kết hoạt động khoảng 2 năm thì giám đốc công ty đầu mối thu mua chế biến, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết đã ôm tiền mua cá bỏ trốn ra nước ngoài, để lại khoảng nợ khổng lồ cho người nuôi cá.
Giá trị sản phẩm cao hơn vốn ngân hàng đầu tư nhưng vẫn mang nợ
Năm 2014, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1107/QĐ-UBND về việc phê duyệt cho vay thí điểm dự án “Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ Tafishco” trên địa bàn.
Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An) được UBND tỉnh An Giang chọn là doanh nghiệp đầu mối trong dự án thí điểm “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco”. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh An Giang (Agribank An Giang) là đơn vị cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người nuôi cá trong chuỗi liên kết này.
Khi tham gia chuỗi, các hộ nuôi cá không nhận tiền mặt mà chỉ nhận thức ăn để nuôi cá. Cá nguyên liệu của các hộ tham gia chuỗi sau thu hoạch sẽ được bán “độc quyền” cho Công ty Thuận An. Sau đó, công ty này có trách nhiệm thu hộ nhận nợ và tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, người nuôi cá chỉ được nhận phần chênh lệch còn lại.
Về trách nhiệm, quyền lợi của các hộ nuôi cá: Được Agribank An Giang cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với vay thông thường với lãi suất ưu đãi 7%/năm. Khi thu hoạch người nuôi cá trong chuỗi chỉ được bán sản phẩm cho Công ty Thuận An và thanh toán các khoản đầu tư của ngân hàng bằng cách khấu trừ tiền bán sản phẩm cá nguyên liệu sau mỗi vụ nuôi tại Công ty Thuận An.
Cuối tháng 10/2016, ông Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên và vợ là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc Công ty Thuận An đi dự hội ở nước ngoài rồi không trở về, “ôm” theo số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có tiền bán cá của nông dân và tiền vay của Agribank An Giang.
Từ đó, “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco” đổ vỡ. Lúc này, Agribank An Giang mới “tá hỏa”, muốn “quy nợ” tiền cung cấp thức ăn cho các hộ nuôi, mà không công nhận cấn trừ tiền bán cá của các hộ nuôi cho Công ty Thuận An.
Ông Lê Quang Vinh (ngụ tại ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, ông là một trong những hộ được xét tham gia đầu tiên của chuỗi liên kết sản xuất này.
“Khi vào được chuỗi liên kết, người nuôi cá được cấp hạn mức tín dụng cao hơn vay thông thường với lãi suất thấp, đây là điều mơ ước của nông dân mà chúng tôi thường nói vui như “nhặt được vàng”. Ấy vậy mà niềm vui chưa “tày gang” thì nay phải lâm cảnh nợ nần có nguy cơ trắng tay”, ông Vinh chia sẻ.
Cũng theo ông Vinh, đến ngày vợ chồng ông chủ Công ty Thuận An bỏ trốn, ông đã bán cá cho công ty với giá trị trên 9,7 tỷ đồng. Nếu so với dư nợ tại ngân hàng vào thời điểm đó thì ông còn thừa trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thông báo của Agribank An Giang mới đây, số dư nợ vay trên chưa được cấn trừ vào tiền bán cá nên lãi suất đã phát sinh trên 7 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng cả lãi và gốc số tiền lên đến gần 17 tỷ đồng. Nếu tính theo cách này thì phải trả nợ 2 lần cho một gói vay.
Tương tự như vậy, các hộ nuôi cá trong chuỗi liên kết này như: hộ ông Huỳnh Nhan Thiện Truất, Nguyễn Danh Cởn, Ngô Quang Đức cũng cho biết, tại thời điểm vợ chồng chủ Công ty Thuận An bỏ trốn, số tiến bán cá của hộ gia đình các ông tại công ty này cao hơn dư nợ vay của ngân hàng từ 1,6 – 1,741 tỷ đồng nhưng vẫn bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu (nhóm 5) nên mất hết quyền lợi vay vốn để tái sản xuất.
Ông Trần Văn Tưởng (78 tuổi, thương binh 2/4, cư ngụ tại ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú tỉnh An Giang), chua xót nói: "Thời điểm vợ chồng giám đốc Công ty Thuận An trốn ra nước ngoài, tiền bán cá mà công ty này còn nợ tôi lên đến gần 7,2 tỷ đồng. Nếu so sánh với dư nợ vay thì tôi chỉ còn thiếu ngân hàng 43 triệu đồng. Tôi đồng ý trả hết phần nợ này cho ngân hàng để lấy tài sản thế chấp ra, tiếp tục vay vốn tái sản xuất nhưng phía ngân hàng không đồng ý".
Qua nhiều đời lãnh đạo vẫn chưa xử lý xong
“Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco” có tổng mức phê duyệt cho vay là 416 tỷ đồng, gồm mức vay của vùng nuôi Công ty Thuận An là 116 tỷ đồng và vùng nuôi của 30 hộ dân tham gia liên kết là 300 tỷ đồng. Thời gian triển khai thí điểm cho vay chuỗi liên kết sản xuất kết thúc vào năm 2016, sau đó được địạ phương đề xuất gia hạn đến năm 2018.
Tính đến thời điểm vợ chồng chủ Công ty Thuận An bỏ trốn, dự án “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco” đã giải ngân cho phía Công ty Thuận An được 116 tỷ đồng (tương đương vùng nuôi 19ha).
Đối với khoản vay của hộ nuôi cá, đến thời điểm 28/7/2017, ngân hàng đã giải ngân cho 12 hộ nuôi cá với số tiền gần 130 tỷ đồng. Trong đó có 4 hộ có số tiền bán cá mà Công ty Thuận An còn nợ cao hơn dư nợ vay 5,2 tỷ đồng; 6 hộ có số tiền bán cá mà Công ty Thuận An còn nợ thấp hơn dư nợ vay gần 21 tỷ đồng và còn lại 2 hộ có quan hệ công nợ riêng với Công ty Thuận An và Agribank An Giang.
Để xử lý các khoản cho vay thí điểm theo “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco”, ngày 13/2/2017, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 441/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ xử lý khoản vay Tafishco, (gọi tắt là Tổ 441).
Theo đề xuất của Tổ 441, UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép xử lý khoản vay theo quy định: Đối với các hộ nông dân vay nuôi cá và thực hiện đúng theo chuỗi liên kết (nuôi cá và bán sản phẩm cho Công ty Thuận An đúng thời gian, đúng quy cách) thì các khoản nợ vay của các hộ này chuyển sang cho Công ty Thuận An.
Công ty Thuận An nhận nợ và có trách nhiệm trả nợ cho Agribank An Giang theo chuỗi liên kết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc chuyển khoản vay này và hướng dẫn việc giải chấp tài sản thế chấp cho các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay bằng việc trả sản phẩm thông qua Công ty Thuận An.
Đồng thời, UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị phía ngân hàng cấp tín dụng, dừng tính lãi phát sinh đối với các khoản vay theo chuỗi liên kết kể từ ngày 19/11/2016 ( thời điểm Công ty Thuận An gửi thông báo người đại diện pháp luật trốn ra nước ngoài); chỉ đạo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia không chuyển nợ xấu và hướng dẫn quy trình để các hộ dân trong chuỗi liên kết được vay khoản vay mới phục vụ tái sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Cách giải quyết như trên cũng đã nhận được sự đồng tình của các hộ dân tham gia chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, theo các hộ dân tham gia “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco”, trong thời gian hơn 7 năm qua, mặc dù phía Agribank An Giang đã nhiều lần mời gặp mặt trao đổi nhưng phía ngân hàng vẫn chưa đưa ra quyết định đồng ý với cách giải quyết mà Tổ 441 và UBND tỉnh An Giang kiến nghị.
Trong gần chục năm nay, hơn 20ha đất ao nuôi cá của 12 hộ tham gia chuỗi liên kết bị bỏ hoang vì không được tiếp tục vay vốn để tái sản xuất; tài sản nhà, đất của các hộ nuôi cá đều thế chấp hết ở ngân hàng, kinh tế gia đình rất khó khăn vì không biết phải làm gì để sinh sống.
Mới đây, ngày 25/6, Agribank An Giang tiếp tục mời các hộ tham “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco” gặp mặt, trao đổi tìm giải pháp xử lý khoản vay cho các hộ tham gia chuỗi liên kết.
Tại buổi gặp mặt này, các hộ nuôi cá một lần nữa kiến nghị phía ngân hàng thực hiện theo phương án của Tổ 441 và UBND tỉnh An Giang đề xuất. Tuy nhiên, phía ngân hàng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về giải pháp xử lý.
Báo Công lý sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.