Đời sống

Bữa cơm sum vầy- sợi dây kết nối yêu thương

Gia Ân-Hà Thúy 28/06/2024 - 17:18

Đối với người Việt Nam, bữa cơm trong mỗi gia đình là nét văn hoá truyền thống đặc sắc. Bữa cơm gia đình là linh hồn của sự đoàn tụ, yêu thương, gắn kết các thành viên, tạo nên không khí gia đình ấm cúng, xua tan những mệt nhọc, lo toan trong cuộc sống.

Cứ đều đặn, mỗi ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, các thành viên đại gia đình bà Hoàng Thị Liễu, xóm Thường Xuân xã Nam Cát - Nam Đàn- Nghệ An lại tụ họp đông đủ cùng làm cơm và rôm rả trò chuyện. Bà Hoàng Thị Liễu năm nay đã ngoài 70 tuổi, gia đình bà có 4 người con đã lập gia đình và ở riêng.

5(4).jpg
24.jpg
Ngày gia đình Việt Nam, nhiều địa phương đã tổ chức Hội thi mâm cơm gia đình kết nối yêu thương.

Dù bận rộn công tác, học tập, nhưng vẫn giữ được nếp quây quần bên mâm cơm đại gia đình vào những ngày cuối tuần. Mỗi dịp như vậy, con cháu bà cùng nhau vào bếp, hướng dẫn nhau làm cơm, vui vẻ với những món ăn mới và cùng nhau chia sẻ thành công, khó khăn trong công việc, học tập.

Bà Hoàng Thị Liễu, xóm Thường Xuân xã Nam Cát- Nam Đàn ( Nghệ an) cho biết: Tổ chức bữa cơm gia đình có đông đủ thành viên, tổ chức tại nhà có ý nghĩa hết sức quan trọng với gia đình tôi. Trong bữa cơm sum họp ấy, tôi không chỉ nghe được tâm tư, tình cảm của các con, những việc các con đang làm mà qua đó, còn động viên, khuyên bảo để các con có thêm niềm tin, giúp các con phần nào trong việc định hướng. Vì thế, các con tôi đều sống rất hòa thuận, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng người vợ, chồng của mình…

Là một gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống, dù rất bận rộn, nhưng gia đình bà Hoàng Thị Hương, xóm Xuân Hòa xã Nam Cát ( Nam Đàn) vẫn luôn đảm bảo những bữa cơm gia đình diễn ra đều đặn mỗi ngày. Không chỉ vậy, bà còn luôn trân trọng nghi thức bữa cơm gia đình và xem đây là phương pháp quan trọng để bồi đắp tình cảm gia đình thêm gắn kết.

35.jpg
1(7).jpg
Bà Hoàng Thị Liễu cho biết, bí quyết để xây dựng một gia đình hạnh phúc là luôn luôn duy trì bữa cơm gia đình để kết nối yêu thương .

Bà Hoàng Thị Hương tâm sự: “Lúc nào, hai ông bà cũng xác định là phải sống mẫu mực để là trụ cột trong gia đình và động viên con cái hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan và các cháu luôn chăm ngoan học giỏi, về nhà giúp đỡ ông bà và lễ phép với mọi người, biết quan tâm đến xã hội, cộng đồng”.

Xây dựng gia đình hơn chục năm nay nhưng ngày nào vợ chồng chị Trần Thị Trâm, huyện Hưng Nguyên cũng cố gắng duy trì mỗi tuần các bữa ăn tối có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Chị Trần Thị Trâm, huyện Hưng Nguyên cho biết: Hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, còn hai con học bán trú nên cả nhà chỉ có bữa tối là được sum vầy.

Chính vì vậy, tôi luôn dành thời gian để chế biến món ăn mà chồng, con thích để tạo sự quan tâm, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình cũng là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với con, với chồng của những người phụ nữ. Bởi bữa cơm không chỉ là chiếc gương soi hạnh phúc mà còn là gia vị không thể thiếu làm nên hạnh phúc gia đình.

Nhịp sống gấp gáp, hối hả của thời hiện đại đang làm những bữa cơm truyền thống thiếu vắng dần trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ ở thành thị.

Trước xu thế phát triển chung của cuộc sống kỹ thuật số, mỗi gia đình hãy cố gắng gìn giữ và duy trì tốt những bữa cơm truyền thống vốn có của gia đình người Việt, cũng như gìn giữ một gia đình hạnh phúc.

Duy trì được bữa cơm gia đình không chỉ giữ vững được soi dây gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình hành phúc, hình thành và phát triển nền nếp gia phong, tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần xây dựng nên một xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững.

Có thể thấy, ngày nay, dù sống trong xã hội hiện đại, song những giá trị truyền thống tốt đẹp, những bữa cơm gia đình vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống.

20240628_150447.jpg
3(8).jpg
Tiết mục văn nghệ tại Hội thi Mâm cơm gia đình kết nối yêu thương.

Một gia đình hạnh phúc là gia đình, là ở đó, mọi thành viên luôn có sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, từ những việc đơn giản như chia sẻ giúp đỡ nhau trong việc chuẩn bị bữa ăn cũng chứa đựng những giá trị tinh thần, tình cảm sâu sắc.

Và khi đã cảm nhận được những điều cho và nhận trong mâm cơm nhỏ, những người trong cùng một gia đình và mở rộng ra ngoài xã hội cũng sống với nhau nghĩa tình, nhân ái.

Gia Ân-Hà Thúy