Thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Với 464/464 tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành (đạt 95,47%), chiều nay 27/6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Ban hành chính sách đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 Điều, quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Luật cũng ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh. Huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Bổ sung các quy định phù hợp với Luật Đấu thầu
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến nêu Luật Đấu thầu chỉ cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cần bảo vệ bí mật nhà nước.
Do đó, Luật này cần có quy định đặc thù về việc lựa chọn nhà thầu đối với chương trình, dự án đầu tư, mua sắm vật tư cho sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh có nội dung được xác định mức độ tối mật; tiếp tục rà soát khoản này và nội dung đặc thù ở các điều, khoản khác để bổ sung vào khoản 2 Điều này cho đầy đủ, chặt chẽ.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào cuối điểm b nội dung “đàm phán, ký kết hợp đồng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài” và chỉnh lý một số nội dung tại điểm b cho phù hợp với Luật Đấu thầu.
Đồng thời, bổ sung điểm d “quy định về giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được xác định theo quy định của pháp luật khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù; quy định về thực hiện chỉ định nhà cung cấp và áp dụng hình thức đàm phán giá đối với việc mua sắm sản phẩm mẫu, vật tư, bán thành phẩm đặc chủng phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh” để tương ứng nội dung tại khoản 3, Điều 23 và điểm đ, khoản 1, Điều 61.
Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21), tại khoản 1, có ý kiến đề nghị rà soát quy định tại khoản này cho phù hợp, chặt chẽ, tránh cách hiểu chỉ ưu tiên phân bổ nguồn lực dự toán ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh; nghiên cứu bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật quy định mang tính chính sách, định hướng chung tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tuy nhiên, để tránh cách hiểu việc ngân sách nhà nước được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh cao hơn các nhiệm vụ khác, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.