Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người M’Nông
Từ bao đời nay, thổ cẩm đã trở thành biểu tượng của nét đẹp văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc của người M’Nông ở tỉnh Đắk Nông. Bằng nhiều cách làm khác nhau, nhiều thế hệ các gia đình M’Nông vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa cho bon làng và quê hương.
Mỗi sản phẩm thổ cẩm không chỉ là vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, là tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của người M’Nông. Các thế hệ người M’Nông luôn có ý thức gìn giữ, phát huy và truyền dạy lại nghề dệt cho con cháu. Ở các bon làng người M’Nông, nhiều gia đình và nghệ nhân trẻ tuổi vẫn đang duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của thổ cẩm, trong đó có nghệ nhân Thị Năm ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp.
Năm 2019, lần đầu tiên lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức tại Đảo Nổi, thành phố Gia Nghĩa. Đoàn nghệ nhân của huyện Đắk R'Lấp cũng tham gia hai hoạt động gồm: Thực nghiệm dệt thổ cẩm và hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thực nghiệm dệt thổ cẩm là giới thiệu cho du khách về các thao tác, kỹ năng, thực hành tại chỗ về nghề truyền thống. Trong hoạt động này, nghệ nhân trẻ Thị Năm ở bon Ol Bù Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'Lấp đã vượt qua hàng trăm nghệ nhân khác, giành được giải xuất sắc khi mới 23 tuổi. Giải thưởng này đã giúp Thị Năm có thêm động lực trở về bon để phát triển nghề truyền thống.
Bon Ol Bù Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'Lấp, quê hương của nghệ nhân trẻ Thị Năm, là nơi mà nghề dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày. Hai chị em Thị Năm và Thị Ngớt từ nhỏ đã thấy bà và mẹ hàng ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài chuốt từng sợi len để dệt nên những tấm váy và những chiếc khăn đẹp đẽ. Tình yêu với thổ cẩm của hai chị em được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ như thế.
Khi lớn lên, được mẹ và bà dạy cách dệt vải, niềm đam mê của Thị Năm và Thị Ngớt dành cho từng đường thoi, mũi sợi lớn dần theo thời gian. Đến năm 18 tuổi, Thị Năm đã rất thành thạo khi dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo. Nhờ luôn tìm cho mình một lối đi riêng, cộng với sự chịu khó, sáng tạo với những hoa văn mới, những sản phẩm thổ cẩm được Thị Năm dệt nên vừa có nét đẹp, bản sắc truyền thống, vừa hiện đại theo nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Với những cố gắng mang lại giá trị cho thổ cẩm truyền thống, năm 2018, Thị Năm được trao tặng danh hiệu nghệ nhân dệt thổ cẩm khi mới 22 tuổi.
Nghệ nhân Thị Năm chia sẻ: "Em nghĩ là em cần giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, truyền dạy lại cho con cháu, để nét đẹp văn hóa dân tộc không bị mai một. Là một nghệ nhân, em cần phải học tập, trau dồi thêm về những kỹ năng, những nét đặc sắc của nghề dệt thổ cẩm, làm sao lưu giữ và phát triển hơn nữa nghề dệt thổ cẩm này."
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Thị Năm đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo và được vinh danh trong nhiều cuộc thi, được chứng nhận nghệ nhân dệt thổ cẩm giỏi. Trước nhịp sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm của buôn làng M’Nông mai một dần. Để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc, nghệ nhân Thị Năm nhiệt tình tham gia các lớp dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.
Bà Thị H’Rêu, Trưởng bon Ol Bù Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, cho biết: "Cô Năm rất là nhiệt tình. Ngoài việc là nghệ nhân dệt thổ cẩm, cô Năm còn tham gia công tác ở bon, là người được quy hoạch vào vị trí Bí thư Chi bộ và Bon trưởng bon Ol Bù Tung".
Cũng như chị em Thị Năm và Thị Ngớt, sau những ngày tất bật với nương rẫy, ngày cuối tuần, gia đình Thị De ở xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa lại dành thời gian cho niềm đam mê dệt thổ cẩm. Bên khung cửi, bà và hai người con gái cẩn thận từng động tác đưa thoi, luồn chỉ, kiên trì dệt nên những tấm thổ cẩm mịn màng. Với gia đình Thị De, dệt thổ cẩm không chỉ là truyền thống bao đời để lại, giữ gìn và tiếp nối mà còn là niềm đam mê, gắn bó như máu thịt. Nghệ nhân Thị De cho biết: "Với nghề dệt thổ cẩm của người M’Nông thì hoa văn của thổ cẩm rất quý giá. Ở gia đình tôi từ xưa tới nay, bà dạy lại mẹ, mẹ dạy lại con, truyền đạt lại bởi vì cái nghề này rất là hay, rất đẹp. Trong gia đình tôi, ai cũng đam mê, ai cũng thích làm".
Cũng như nhiều gia đình M’Nông khác, gia đình nghệ nhân Thị De rất coi trọng thổ cẩm truyền thống, xem nó là bảo vật không thể thiếu trong gia đình như của để dành. Dệt thổ cẩm còn là thước đo, đánh giá một người phụ nữ đảm đang, khéo léo và là hành trang quý giá của người con gái mang theo khi về nhà chồng. Chính tình yêu và niềm đam mê của nghệ nhân Thị De đã thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ, là con cháu tiếp nối nghề truyền thống này.
Chị Thị Oát, con gái của nghệ nhân Thị De, chia sẻ: "Em thích dệt thổ cẩm từ hồi em học lớp 6, lúc còn bé em lấy khung dệt nhỏ, xem mẫu của mẹ rồi tự dệt, từ đó em làm dần dần. Lúc đầu em dệt xấu lắm, nhưng do đam mê nên luôn cố gắng. Mỗi tối học bài xong, em tranh thủ khoảng 30 phút để học hoặc dệt lúc sáng sớm".
Những nỗ lực và sự kiên trì của Thị Oát đã mang đến quả ngọt. Năm Thị Oát 16 tuổi, cô gái trẻ đã biết dệt tất cả các sản phẩm như khăn, áo và váy của người M’Nông. Vừa dệt theo mẫu hoa văn mình đã biết, chị vừa nghiên cứu các mẫu hoa văn mới từ mẹ, từ các chị em trong gia đình và các nghệ nhân trong bon. Nhờ vậy, kỹ năng dệt của chị ngày càng tiến bộ, làm ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp với hoa văn tinh xảo. Không bằng lòng với những thành quả có được, Thị Oát còn tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề. Nhờ sự khéo léo, những sản phẩm của chị được người dân trong bon và ngoài xã ưa chuộng, đặt hàng. Dần dần, dệt thổ cẩm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị. Năm 2022, Thị Oát được chứng nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm.
Là người giỏi giang, khéo léo và yêu nghề dệt, nghệ nhân Thị De lúc nào cũng trăn trở, suy nghĩ tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho bon làng. Hơn 30 năm trong nghề, bà không ngừng học hỏi các nghệ nhân đi trước để trau dồi và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân và nâng cao tay nghề. Mỗi khi trong bon, làng, xã hay huyện, tỉnh có lễ hội, bà rất tích cực tham gia. Bản sắc văn hóa như đã ở trong máu thịt, bà vẫn hy vọng làm sao để học hỏi thật nhiều cái hay, cái đẹp của thổ cẩm để truyền dạy lại cho thế hệ kế cận.
Cô thợ may H’Ni ở Bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mi, (Đắk Nông), hơn 10 năm qua vẫn miệt mài tạo ra các sản phẩm độc đáo từ những tấm thổ cẩm do chính mình và người thân trong gia đình dệt nên. Năm 2013, sau khi hoàn thành khóa học may ở địa phương, chị H’Ni mở tiệm may trang phục truyền thống tại nhà. Ngoài những kiến thức học được, chị tự học thêm trên mạng, rồi lên ý tưởng sáng tạo hiện đại trên nền thổ cẩm dân tộc. Với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tuyệt vời, dựa trên chất liệu thổ cẩm truyền thống của dân tộc, chị đã giúp thổ cẩm dân tộc gìn giữ được giá trị truyền thống trong diện mạo mới, mang hơi thở hiện đại.
Chị H’Ni ở Bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mi (Đắk Nông) chia sẻ: "Các sản phẩm đều do mình tự làm như: Túi, khố, khăn, váy... Mình tự dệt, tự may rồi hoàn thiện luôn. Người dân ở xã ai cũng biết đến, nên khi trong xã có đám cưới, đám hỏi, mọi người lại đến đặt may. Nhiều lúc, tôi làm không hết việc, phải thức đến sáng". Vừa hào hứng khoe các đơn hàng, vừa giới thiệu góc nhỏ trưng bày các sản phẩm độc đáo của mình, chị H’Ni tâm sự về tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng và khao khát muốn bảo tồn và lan tỏa giá trị thổ cẩm của dân tộc.
Là người con của bon Bu Đắk nằm dưới chân núi lửa Thuận An, vùng đất chất chứa bao huyền thoại của dân tộc M’Nông, chẳng biết từ bao giờ H’Ni yêu thích từng đường nét hoa văn trên những tấm thổ cẩm của bà và của mẹ. Lớn lên dưới sự chỉ dạy tận tình và hướng dẫn của mẹ, H’Ni đã thực hiện ước mơ, tự tay mình dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ, biến nó thành sản phẩm hàng hóa thông dụng, phục vụ cuộc sống. Là một trong những nghệ nhân nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm, bà H’Đoăn, mẹ của chị H’Ni, rất vui và hạnh phúc khi những sản phẩm thổ cẩm của mình và các con làm ra được nhiều người ưa chuộng.
Nghệ nhân H’Đoăn từ xã Thuận An, huyện Đắk Mi (Đắk Nông) chia sẻ: "Gắn bó với nghề đã hơn 40 năm, tôi rất vui khi tự tay dệt thổ cẩm để con cháu trong nhà sử dụng. Càng vui hơn khi con cháu mình cũng yêu thích và gắn bó với nghề truyền thống dân tộc. Tôi mong chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề dệt, may, thêu để nhiều người trong xã được học tập và biết đến nghề dệt thổ cẩm hơn".
Có thể thấy, với tình yêu văn hóa dân tộc và bằng nhiều cách làm khác nhau, không ít gia đình M’Nông với nhiều thế hệ vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa cho bon làng và quê hương. Như những con ong cần mẫn của núi rừng, hàng ngày các mẹ, các chị vẫn góp nhặt, gìn giữ nét đẹp tinh tuý của nghề dệt truyền thống để trao truyền cho thế hệ mai sau.