Pháp đình

Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Đỗ Hữu Ca hầu tòa phúc thẩm

Trần Khanh 26/06/2024 08:42

Sáng nay (26/6), tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 6 bị cáo trong vụ "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế". Các bị cáo này đều có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó bị cáo Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng), từng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản").

6/12 bị cáo kháng cáo

Được biết, sau phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 4/2024, đã có 6/12 bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Trương Xuân Đước (Giám đốc doanh nghiệp; bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"; 7 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 9 năm tù); Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước- bị tuyên phạt 18 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"; 3 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 4 năm 6 tháng tù).

Bị cáo Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng; bị tuyên phạt 10 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"); Bị cáo Nguyễn Đình Đương (cựu Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng; bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ"); Bị cáo Đặng Khắc Thành (trung gian mua bán hóa đơn; bị tuyên 18 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"); Bị cáo Hà Thị Bích Nhàn (trung gian mua bán hóa đơn; bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước").

img_1926.jpeg
Bị cáo Đỗ Hữu Ca cùng 5 bị cáo có mặt tại phiên toà xét xử phúc thẩm.

Các bị cáo khác (chủ yếu ở nhóm tội “trốn thuế”, bị Tòa cấp sơ thẩm xử phạt tiền) đều không kháng cáo.

Trong đơn kháng cáo được viết sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc được 3 ngày, bị cáo Đỗ Hữu Ca cho rằng mức án mà Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo là quá nặng và quá khắc nghiệt. Bản thân bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền của vợ chồng bị cáo Đước và Ngọc Anh.

Khi bị cáo Ngọc Anh đến gặp kêu khóc nhờ cứu Đước, bị cáo đã bảo Ngọc Anh phải chuẩn bị 10% doanh thu từ doanh nghiệp để khắc phục hậu quả, hoàn trả cho Nhà nước. Ngọc Anh đã hiểu lầm lời tư vấn nên đã chủ động mang tiền đến nhà bị cáo, không nói gì thêm làm cho bị cáo hiểu lầm là tiền khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa, vợ chồng Ngọc Anh đã nhận thức được và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Ca bộc bạch, bản thân đã về hưu được hơn 5 năm, tư duy pháp luật của ông đã lỗi thời, lạc hậu, không cập nhật kịp quy định mới của pháp luật nên không hiểu được sự chuyển hóa của tội phạm và sự phát triển của pháp luật.

Đến nay, bị cáo Ca đã hiểu và nhận thức sâu sắc về việc nhận tiền của vợ chồng Đước- Ngọc Anh, dù không đồng ý, không có ý thức chiếm đoạt nhưng mặc nhiên chấp nhận ý chí về chạy án của vợ chồng Ngọc Anh thì phải chịu trách nhiệm… Bị cáo đã ý thức và hiểu được hành vi phạm tội của mình.

“Đến nay, tôi rất ân hận, ăn năn hối cải vì hành vi của mình đã ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đến uy tín của cơ quan thực thi pháp luật… Tôi đề nghị xem xét đến nguyên nhân, bối cảnh và ý thức chủ quan phạm tội. Tôi không hưởng lợi, không gian dối, không mê hoặc, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc để vợ chồng Đước mang tiền đến nhà. Hiện nay, tôi đã già và mang nhiều bệnh tật…, mong HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện chữa bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, ông Ca viết trong đơn kháng cáo từ trại tạm giam của Công an tỉnh Quảng Ninh.

Liệu có tình tiết mới ở phiên tòa phúc thẩm?

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do ông Vũ Minh Tuấn làm chủ tọa phiên tòa. Bào chữa cho bị cáo Đỗ Hữu Ca có luật sư Bùi Phương Lan, luật sư Nguyễn Sơn Hải và luật sư Nguyễn Huyền Ly (Công ty Luật TNHH Lan Bùi và cộng sự). Vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh không mời luật sư nên Tòa chỉ định luật sư bào chữa cho hai bị cáo này ở phiên tòa phúc thẩm.

Trước đó, tại Bản án sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh nhận định từ năm 2005 đến năm 2022, bị cáo Trương Xuân Đước cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành 25 công ty để mua bán trái phép hóa đơn kiếm lời, thu lợi bất chính hơn 41 tỷ đồng. Vợ chồng Đước đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương (Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải) và cấp dưới của Đương hơn 360 triệu đồng để được “tạo điều kiện” mua bán hóa đơn.

1i192tlib_5sulbl.jpeg
Bị cáo Đỗ Hữu Ca được cơ quan công an dẫn giải đến phiên toà.

Để che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh sự xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật, Đước và Ngọc Anh đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng để nhờ “chạy tội”. Bị cáo Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý về tội “mua bán trái phép hóa đơn” nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được và đã nhận, chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Đước.

HĐXX sơ thẩm nhận định, bị cáo Ca tại phiên tòa đã nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận việc truy tố là đúng người, đúng tội, không oan; bị cáo đã nộp toàn bộ 35 tỷ đồng đã chiếm đoạt và được bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Trong quá trình công tác, bị cáo được thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen và được nhiều cơ quan, ban ngành địa phương xin giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Ca phải chịu tình tiết tăng nặng là “phạm tội hai lần trở lên”.

Công lý sẽ tiếp tục thông tin về diễn biên phiên tòa phúc thẩm.

Trần Khanh