“Quy định về 2 ngạch Thẩm phán là phù hợp với nền tư pháp thế giới”
“Luật tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới nhưng điểm nổi bật theo tôi đó là quy định về ngạch Thẩm phán gồm 02 ngạch là Thẩm phán và Thẩm phán TANDTC chứ không phải là Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp,… như hiện nay”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Huyền (TAND huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) khi nói về một số điểm nổi bật của Luật tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
PV: Thưa bà, xin bà cho biết trong số những nội dung của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, bà ấn tượng với nội dung nào nhất, vì sao?
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Huyền: Trong những nội dung Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, nội dung ấn tượng nhất trong lần sửa đổi này là tại Điều 62, Điều 63 về việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt. Đâu là điều cần thiết và phù hợp với xu thế chung của đất nước và của thế giới, sẽ là một bước tiến mới theo xu hướng của thời đại.
Với thực trạng nền kinh tế thị trường biến động, ảnh hưởng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, gia tăng đột biến về số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, dẫn tới số lượng vụ việc phá sản Tòa án phải giải quyết là rất lớn, đội ngũ Thẩm phán có kiến thức chuyên sâu chưa nhiều và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giải quyết các vụ án phá sản.
Đây cũng là tình trạng tương tự đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ và hành chính, các vụ án mang tính đặc thù, phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao.
Việc tăng cường chuyên môn hóa là cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả xét xử của Tòa án, đây cũng là mô hình tổ chức Tòa án phổ biến trên thế giới. Do vậy, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản là cần thiết trong tình hình hiện nay.
PV: Luật tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có gì khác nhau? Và trong đó có những nội dung gì nổi bật thưa bà?
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Huyền: Luật tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, nhưng điểm nổi bật theo tôi đó là quy định về ngạch Thẩm phán gồm 02 ngạch là Thẩm phán và Thẩm phán TANDTC chứ không phải là Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp... như hiện nay.
Quy định này rất phù hợp với nền tư pháp của các nước trên thế giới và phù hợp với đặc thù xét xử của hệ thống Tòa án Việt Nam, tạo được niềm tin cao cho các đương sự khi tham gia tố tụng, tiếp xúc, làm việc với Thẩm phán, phù hợp với chức danh Thẩm phán là chức danh tư pháp đặc thù được Chủ tịch nước bổ nhiệm.
PV: Thưa bà, Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nội dung: Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Bà có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Huyền: Đương sự khởi kiện phải có nghĩa vụ thu thập và giao nộp chứng cứ hợp pháp để chứng minh cho những yêu cầu khởi kiện của mình. Quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, có nghĩa rằng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập tài liệu chứng cứ cho đương sự, mà đây là trách nhiệm của đương sự đi khởi kiện, đây là một quy định hợp lý nhằm giảm bớt gánh nặng cho Tòa án.
Nhiệm vụ của Tòa án là tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá tính xác thực của chứng cứ để xét xử. Do đó, đương sự khởi kiện thì phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
PV: Thưa bà, trong trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ tại phiên tòa thì Tòa án sẽ có hướng xác minh như thế nào để đảm bảo tính khách quan?
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Huyền: Đối với những chứng cứ được cung cấp tại phiên tòa bởi những người tham gia tố tụng, để đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng, Tòa án sẽ cần phải kiểm tra tính xác thực của chứng cứ đó, dựa trên ba tiêu chí: Tính có thật, tính liên quan và tính hợp pháp.
Theo đó, sẽ có hai hướng xử lý trong trường hợp này: Nếu những người tham gia tố tụng đều thừa nhận chứng cứ đó, thì HĐXX chấp nhận tài liệu đó là chứng cứ; nếu có một trong các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan có ý kiến phản đối, thì HĐXX sẽ tạm ngừng phiên tòa để yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan đến tài liệu chứng cứ mới mới đó, đảm bảo tính xác thực, khách quan, làm căn cứ giải quyết vụ án đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.
PV: Xin cảm ơn Thẩm phán!