Tiêu điểm

Chuyển đổi số của Tòa án đã trở thành mô hình thành công để nhân rộng ra toàn quốc

Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT 24/06/2024 08:32

Việc Chánh án TANDTC trực tiếp làm dự án chuyển đổi số đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để Tòa án chuyển đổi số thành công

Báo Công lý xin giới thiệu đến quý độc giả toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức, ngày 16/6/2024.

PSX_20240616_162853.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là thay đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức, là một cuộc cách mạng về sự thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Ảnh Lê Anh Dũng

Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam đã được 4 năm và bước sang năm thứ năm. Năm đầu tiên là khởi động CĐS. Năm thứ hai là tổng diễn tập CĐS trên phạm vi toàn quốc thời Covid-19. Năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia. Năm thứ tư là phát triển dữ liệu số. Năm 2024 là bắt đầu của năm thứ 5, chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số (KTS) với 4 trụ cột là Công nghiệp CNTT và truyền thông, Phát triển KTS các ngành, Quản trị số và Phát triển dữ liệu số.

Hơn 4 năm qua đã cho chúng ta một số kinh nghiệm quý để định ra các cách làm CĐS hiệu quả.

Thứ nhất là làm thí điểm. Làm thí điểm trước, làm cho đến nơi, cho đến thành công rồi nhân rộng ra cả nước. CĐS thì phải làm 100% toàn quốc mới hiệu quả, nhưng chúng ta lại không đủ kinh nghiệm, nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực để làm ngay cùng lúc trên toàn quốc. Bởi vậy, cần tập trung chỉ đạo làm thí điểm 1 xã, 1 huyện, 1 tỉnh, 1 ngành, và làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, làm cho thuận tiện và dễ dùng, làm cho hiệu quả và làm trên nền tảng số, rồi từ đó nhân rộng, làm nhanh ra cả nước.

Thứ hai là dùng nền tảng số. Thời CNTT thì tất cả các bộ ngành và các địa phương đều làm phân tán, hầu như không có các hệ thống, nền tảng dùng chung toàn quốc. Vậy nên các nơi cứ tự làm từ A đến Z, phân tán, lãng phí và khó kết nối. Nhưng thời CĐS thì xuất hiện các nền tảng số dùng chung toàn quốc, gọi là các nền tảng trung ương hay nền tảng số quốc gia: Đầu tư một nơi, phần cứng một nơi, phần mềm một nơi, vận hành khai thác một nơi nhưng sử dụng thì dành cho mọi người trên toàn quốc. Bởi vậy mà phải làm rõ, cái gì là trung ương, cái gì là địa phương. Bộ TT&TT sẽ làm rõ và công bố cái gì là trung ương, cái gì là địa phương, để cho địa phương yên tâm biết cái này là mình phải làm và được làm. Và bộ ngành thì phải làm cái trung ương.

Thứ ba là cái mới thì phải hướng dẫn chi tiết. Cái gì mới, lại trừu tượng, lại công nghệ, lại chưa làm bao giờ (tức là đang còn lơ mơ) thì ban đầu rất cần những hướng dẫn chi tiết, giống như cầm tay chỉ việc, nhất là những cái cơ bản, thì CĐS mới có thể lan rộng và đi sâu xuống dưới được, mới toàn dân và toàn diện được. Bộ TT&TT sẽ làm rõ những cái cơ bản nhất của CĐS là gì và có hướng dẫn chi tiết: Cái gì, làm như thế nào, ai làm và bao giờ xong. Nếu chúng ta không khởi động CĐS bằng cách như thế này thì CĐS sẽ chỉ thành công lỗ chỗ một vài nơi. Một khi đã khởi động được những cái cơ bản nhất trên phạm vi toàn quốc thì các bộ ngành, các địa phương sẽ tự tin để tự làm những cái tiếp theo.

Thứ tư là hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số (CNS) Việt Nam. Việt Nam chúng ta có nhiều doanh nghiệp CNS xuất sắc, có đủ năng lực để giúp các bộ ngành và địa phương CĐS thành công. Với cơ quan nhà nước (CQNN) thì CNS là khó khăn. Nhưng với doanh nghiệp CNS thì lại không khó. Nhưng doanh nghiệp CNS thì không biết phải làm gì để CĐS các bộ ngành và địa phương. Họ không có chuyên môn, không biết vấn đề của CQNN, không có dữ liệu. Chỉ cần các bộ ngành, địa phương biết vấn đề của mình, biết mình muốn gì, rồi cung cấp chuyên môn và dữ liệu thì doanh nghiệp CNS sẽ giúp CĐS thành công. Cái gì mà Nhà nước khó đầu tư thì các doanh nghiệp CNS cũng có thể đầu tư để cung cấp lại cho Nhà nước dưới dạng dịch vụ. Sự hợp tác giữa các bộ ngành và địa phương với các doanh nghiệp CNS là để mỗi bên, cái gì dễ thì tập trung làm, cái gì khó thì không làm, để người có chuyên môn làm.

Thứ năm là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng. Chúng ta làm thí điểm thành công và sau đó đưa ra các công thức thành công về CĐS cho các lĩnh vực, các cấp, để có thể truyền thông, nhân rộng. Những công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo, sẽ thực sự là một loại sức mạnh mang tính toàn dân. Thí dụ, Bộ Công an có công thức Đúng, Đủ, Sạch, Sống khi làm cơ sở dữ liệu dân cư; CĐS Việt Nam là Chính phủ số + Kinh tế số + Xã hội số; KTS Việt Nam là Công nghiệp CNTT và truyền thông + KTS các ngành + Quản trị số + Dữ liệu số; CĐS toàn dân là Đi từng ngõ, Gõ từng nhà, Rà từng đối tượng, và v.v...

Cái thành công nhất là chuyển đổi số đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp. Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu chỉ là phong trào. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để trực tiếp chứng kiến một ngành CĐS thành công bước đầu một cách cơ bản, đó là Toà án nhân dân tối cao. Cái thành công nhất là CĐS đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp. Đây là kết quả của 3 năm CĐS. CĐS sẽ không thành công nếu chỉ là phong trào, nó là kết quả của một quá trình liên tục.

Ngay từ đầu, TANDTC đã lựa chọn đối tác chiến lược để đồng hành. CĐS là một hành trình, không phải là mua một phần mềm về dùng như thời CNTT, mà là phát triển ra phần mềm cho chính mình. Phần mềm thời CĐS không phải là viết ra là xong mà sẽ được hoàn thiện qua quá trình sử dụng. Và như vậy, một mình doanh nghiệp CNS không thể tự làm. Tòa án cũng không có lực lượng công nghệ để tự làm. Thời CĐS thì phần mềm bao giờ cũng là do 2 bên cùng làm, doanh nghiệp CNS và CQNN. Họ phải đi với nhau một chặng đường dài, là đối tác chiến lược của nhau, và doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực dành riêng cho dự án CĐS.

w tro ly ao phap luat 5 1 77.jpg
Thẩm phán Lê Thị Khanh - TAND quận Cầu Giấy đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ công việc của trợ lý ảo. Ảnh: Minh Sơn

CQNN phải đặt rõ bài toán cho doanh nghiệp CNS, dạy nghề, dạy chuyên môn ngành mình cho doanh nghiệp, đưa dữ liệu, đưa tri thức ngành cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, rồi sau đó trực tiếp dùng sản phẩm hàng ngày và liên tục đưa ra các yêu cầu hoàn thiện sản phẩm - đó là yêu cầu đối với CQNN để CĐS thành công. Phần mềm đã viết xong, nhưng làm cho nó thông minh lên từng ngày lại chính là việc của CQNN. Thí dụ, sau hơn 2 năm TANDTC sử dụng hệ thống số, người dùng hệ thống đã đưa lên 27.000 tình huống pháp lý khó để được tư vấn, và từ đây đã hình thành 18.000 tình huống chuẩn hoá và được nhập vào hệ thống để tham khảo cho về sau, làm giàu thêm hệ tri thức của ngành toà án.

Những người thông thái nhất của tổ chức phải dạy, phải truyền kiến thức của mình cho phần mềm chuyển đổi số - trợ lý ảo, để những người khác trong tổ chức được sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Những người thông thái nhất của tổ chức phải dạy, phải truyền kiến thức của mình cho phần mềm CĐS - trợ lý ảo, để những người khác trong tổ chức được sử dụng. Nhân viên khi sử dụng trợ lý ảo để giải quyết công việc hàng ngày của mình thì sẽ phát hiện những cái mà trợ lý ảo chưa biết, rồi đi tìm kiến thức để bổ sung cho trợ lý ảo. Ở giai đoạn sau, khi trợ lý ảo đã đưa vào sử dụng thì người làm cho trợ lý ảo thông minh lên lại là người sử dụng. Giai đoạn đầu thì vai chính là những người thông thái, giai đoạn sau thì vai chính là người dùng.

CNTT là ứng dụng công nghệ để tự động hoá cái mình đang làm, tự động hoá cái cũ, quy trình cũ. Thời CNTT thì công nghệ là chính, chỉ cần đến giám đốc CNTT, tương đương cấp cục/vụ. Nhưng CĐS là thay đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức, là một cuộc cách mạng về sự thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, bởi vậy, phải cần đến người đứng đầu. Việc Chánh án TANDTC trực tiếp làm dự án CĐS đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc CĐS ngành toà án là điều kiện tiên quyết để CĐS thành công. Ngoài ra, CĐS của TANDTC ngay từ đầu đã tập trung vào phục vụ đối tượng trung tâm là cán bộ công chức của toà án, tạo ra các công cụ số để giảm tải công việc, giảm thời gian làm việc, tăng chất lượng công việc cho họ. CĐS mà không được cán bộ công chức ủng hộ, không được họ dùng hàng ngày thì sẽ không thành công.

Bộ TT&TT trân trọng cảm ơn đồng chí Chánh án TANDTC, cám ơn ngành Tòa án đã kiên trì, kiên quyết và kiên định CĐS suốt hơn 3 năm qua để hôm nay chúng ta có được một mô hình CĐS thành công cấp bộ ngành để nhân rộng ra toàn quốc, góp phần thúc đẩy công cuộc CĐS quốc gia.

Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT