Mãi ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình của đất nước và nhân dân Nga
Chính trị - Ngày đăng : 11:12, 22/06/2024
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Lăng và Bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. Lăng Bác khánh thành năm 1975. Còn Bảo tàng, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nội dung trưng bày.
Là thế hệ cán bộ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh tham gia từ quá trình xây dựng, hình thành và đi vào hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thị Tình - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện là Ủy viên Ban thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga vẫn luôn lưu giữ trong ký ức, trái tim của mình những tình cảm, sự biết ơn sâu sắc, chân thành đối với đất nước Nga tươi đẹp, vĩ đại và người dân Nga đôn hậu, hiền hòa đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Việt Nam-Nga: Tấm lòng chân thành, thủy chung son sắc
TS. Nguyễn Thị Tình chia sẻ, sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp bà rất may mắn được về công tác ở Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, hồi đó bà làm ở Phủ Chủ tịch. Để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, theo quyết định của Trung ương Đảng, trong các công tác chuẩn bị thì có chuẩn bị về đào tạo cán bộ. Do đó bà đã thi đỗ và đi học nghiên cứu sinh ở một ngôi trường rất nổi tiếng của Liên Xô là Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Quá trình học tập ở đây chứa đựng biết bao tình cảm của bà dành cho đất nước Xô Viết và nước Nga bây giờ.
"Tôi được tiếp xúc với các giáo sư, thầy giáo, cô giáo, các chuyên gia-những người trực tiếp giúp tôi học thành thạo tiếng Nga, viết luận án bằng tiếng Nga, hiểu thêm về đất nước và con người Nga. Tình cảm đầu tiên của tôi đối với nước Nga là đối với những người thầy giáo, cô giáo-những người vô cùng yêu mến mình và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa khi biết được tôi là cán bộ sau này sẽ triển khai công việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ họ vô cùng kính trọng, vị lãnh tụ luôn dành tình cảm chân thành với Liên Xô, với cuộc Cách mạng tháng 10 Nga, người đã đem ánh sáng của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga về giải phóng cho đất nước và nhân dân Việt Nam thì họ vô cùng yêu quý và giúp đỡ tận tình. Tấm lòng chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nước Liên Xô vĩ đại, đối với Lenin và đối với nhân dân Liên Xô nói chung cũng như tình cảm của người dân Liên Xô trước kia và người dân Nga ngày nay đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể nói hết được bằng lời", TS. Nguyễn Thị Tình xúc động nói.
Các thầy giáo, cô giáo tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov rất quan tâm đến những người làm nghiên cứu sinh của Việt Nam và đặc biệt của những người làm công tác bảo tàng nên họ luôn tạo điều kiện cho vào đọc những nơi lưu giữ tài liệu về Bác Hồ trong đó có Bảo tàng Trung ương Lenin, Thư viện Lenin, Viện Marx-Engels-Lenin… Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Tình có rất nhiều tư liệu để thực hiện luận án của mình và luận án đó được các chuyên gia Liên Xô đánh giá cao. TS. Nguyễn Thị Tình được nhà trường cử học thêm tại Trường Đảng của Moscow. Bà cũng là một trong những đảng viên trẻ học tại lớp Triết học, bồi dưỡng cho những nghiên cứu sinh ở các nước.
Những kiến thức về lý luận Marx-Lenin, lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Marx-Lenin, đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trên con đường giải phóng dân tộc đã được TS. Nguyễn Thị Tình thể hiện trong bản luận án. "Đó không phải là lý luận suông mà đã được áp dụng, chứng minh thực tế bằng cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là những kiến thức chung mà ai cũng phải học và nếu càng nắm vững thì những công việc cụ thể của mình thực hiện sẽ càng trôi chảy", TS. Nguyễn Thị Tình nói.
Bồi hồi nhớ lại những người đã từng giúp đỡ mình vô điều kiện, TS. Nguyễn Thị Tình nhắc đến bà Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lenin Ôn-ga Cri-vô-xây-na, người đã từng là du kích trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, đã từng được phục vụ Lenin có tình cảm rất đặc biệt với Việt Nam, với Bảo tàng. "Khi xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi cùng đồng chí Vũ Kỳ-Thư ký của Bác Hồ sang Liên Xô đặt vấn đề nhờ Bảo tàng Trung ương Lenin giúp đỡ, bà Ôn-ga Cri-vô-xây-na đã nhận lời luôn và báo cáo với Trung ương Đảng cho phép Bảo tàng Trung ương Lenin giúp đỡ, truyền kinh nghiệm, cử chuyên gia trực tiếp sang cùng làm việc để xây dựng Bảo tàng Hồ Chi Minh. Đây là con người mà mọi thế hệ cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh phải biết ơn sâu sắc", TS. Nguyễn Thị Tình chia sẻ.
Tất cả những gì tốt đẹp nhất, hiện đại nhất đều dành cho Việt Nam
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Lăng và Bảo tàng về Người tại Quảng trường Ba Đình. Về kiến trúc bảo tàng và thiết kế mỹ thuật trưng bày đã được Liên Xô hỗ trợ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh bằng vốn viện trợ không hoàn lại. Năm 1982, việc thiết kế nhà bảo tàng đã được giao cho Viện Thiết kế Mê-den-xép thuộc Ủy ban Xây dựng nhà nước Liên Xô đảm nhiệm. KTS Garon I-xa-cô-vích - người đã thiết kế Lăng Bác, được chỉ định làm chủ trì thiết kế công trình.
TS. Nguyễn Thị Tình cho biết, tình cảm của Liên Xô với Bác Hồ được thể hiện rõ nét thông qua việc ký Hiệp định ngày 2/2/1979 về việc Liên Xô giúp xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khi đó, việc Liên Xô giúp xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ gồm phần công trình, nhưng phía Việt Nam lại hiểu rằng sẽ gồm cả tòa nhà bảo tàng gồm trang thiết bị và nội thất, sau này, trong quá trình làm việc, chúng ta mới phát hiện ra điều đó. Trong bối cảnh điều kiện kinh phí và trình độ Việt Nam khi ấy còn rất hạn chế, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam có thư gửi Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đề nghị tiếp tục giúp đỡ cả về phần trang thiết bị và thi công nội thất bảo tàng. Ngày 15/12/1983, phía Liên Xô có công hàm trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam, đồng thời giao công việc này cho Liên hiệp trang trí Mỹ thuật Moscow và Bảo tàng Trung ương Lenin trực tiếp thực hiện.
Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng thời điểm đó là công trình thế kỷ và cho đến thế kỷ 21 vẫn không lạc hậu bởi cả tất cả những gì tốt đẹp nhất, hiện đại nhất người bạn Liên Xô đều dành cho Việt Nam, cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một minh chứng rất cụ thể là Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam lúc bấy giờ khi ở Đại sứ quán gần với công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đang thi công, lúc nào ông nghe thấy tiếng cọc đóng lúc đấy Đại sứ mới yên tâm rằng đang có đủ nguyên vật liệu xây dựng công trình này. Lúc bấy giờ cũng như phía Việt Nam, Đại sứ lo lắng về việc xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ để kịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác (năm 1990) hay không.
"Với tấm lòng chân thành, các chuyên gia Liên Xô tận tình sang giúp đỡ Việt Nam xây dựng công trình và trưng bày hiện vật. Những cán bộ của Liên Xô thể hiện trưng bày về Bác Hồ như người dân Việt Nam kính yêu Bác. Họ cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ Việt Nam. Việt Nam gặp khó khăn gì họ đều hiểu và chia sẻ. Những tấm lòng của người dân Liên Xô tôi không thể quên được", TS. Nguyễn Thị Tình xúc động chia sẻ.
TS. Nguyễn Thị Tình cho biết, năm 1990, do phía Việt Nam chưa có nhiều điều kiện trực tiếp sang Nga để sưu tầm tư liệu nên Bảo tàng Trung ương Lenin khai thác và gửi hàng nghìn trang tư liệu để phục vụ công tác trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 1996 lần đầu tiên Bảo tàng Hồ Chí Minh cử 1 đoàn sang Nga và sưu tầm được hàng vạn trang tài liệu.
Sau này khi Tổng kiểm toán của Nga sang làm việc với Tổng kiểm toán Việt Nam, ông đã đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ TS. Nguyễn Thị Tình là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trực tiếp dẫn Tổng kiểm toán LB Nga đi thăm Bảo tàng và ông rất cảm động, bày tỏ mong muốn đóng góp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông về báo cáo Tổng thống Putin và cho một đoàn sang hỗ trợ Việt Nam.
Nhân dịp Tổng thống Vladimir Putin thăm chính thức Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2006 được tổ chức tại Hà Nội, Tổng thống Vladimir Putin đã trao tặng Việt Nam bản sao tài liệu về hành trình lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô. Và TS. Nguyễn Thị Tình đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủy quyền tiếp nhận những tư liệu đáng quý đó từ Tổng thống Vladimir Putin. Qua đó cho thấy tình cảm đặc biệt gắn bó thủy chung của những nhà lãnh đạo cao nhất của nước Nga đối với Bác Hồ, cũng như sự trung thành, thủy chung với nước Nga của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cho đến bây giờ Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn bảo tồn và gìn giữ những tư liệu đáng quý đó.
Trong danh ngôn thế giới có câu "Chân thành là món quà tốt nhất của một người có thể tặng cho một người bạn". Tất cả những gì là sự thât, sự tin cậy, tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, đều bắt nguồn từ sự chân thành đó của đất nước và nhân dân Nga. Sự chân thành cũng được Bác Hồ thể hiện đối với Cách mạng tháng Mười Nga, đối với lãnh tụ Lenin, đối với nước Nga vĩ đại, Bác cũng muốn lan tỏa sự chân thành đó cho tất cả người Việt Nam, cho tất cả những người biết, đã từng đến Liên Xô, đến nước Nga hoặc chưa từng đến Liên Xô nhưng lòng biết ơn đối với Cách mạng tháng 10, đối Lenin, đối với nhân dân Nga dù thời gian càng qua đi thì càng lớn lên. Từ đó giúp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nga sẽ ngày một phát triển và có hiệu quả hơn, khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nước Nga.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga, như những người dân Việt Nam khác, trong trái tim TS. Nguyễn Thị Tình luôn có lòng kính trọng đối với Cách mạng tháng 10 Nga, đối với Lenin và với nước Nga, cũng như tấm lòng chân thành thủy chung son sắc của nước Nga đối với Việt Nam.
"Với tôi, nước Nga luôn gần gũi, thân thuộc. Tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới nhưng nước Nga vẫn là đất nước tươi đẹp nhất với thiên nhiên hùng vĩ, tấm lòng người dân Nga đôn hậu, chân tình. Tuy sang nước Nga rất nhiều nhưng cho đến cuối đời tôi vẫn muốn quay lại nơi đây bởi nước Nga luôn trong trái tim tôi", TS. Nguyễn Thị Tình nói.