Đắng cay từ những “giấc mơ chồng ngoại”
Thời gian qua, mặc dù công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Muôn kiểu phận đời bị mua bán
Tại Bạc Liêu, tuy không có đường biên giới trên bộ với các nước, song tình trạng mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các băng nhóm buôn người có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Điều đáng buồn là đa phần kẻ chủ mưu, cầm đầu trong đường dây mua bán người Việt Nam ra nước ngoài lại là… người Việt Nam.
Nếu như trước đây đối tượng buôn người thường sử dụng thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” để bẫy “con mồi” là thanh thiếu niên rồi lừa bán sang nước ngoài, thì trong khoảng hơn một năm trở lại đây, xuất hiện không ít các đường dây buôn người dưới vỏ bọc mai mối “lấy chồng ngoại quốc”.
Xót xa hơn, trong số những “chân rết” móc nối, có những phụ nữ từng là nạn nhân bị mua bán nhưng lại tiếp tay, trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác.
Tinh vi hơn, nếu như trước đây các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng các trang mạng xã hội để bẫy “con mồi”, sau đó lần lượt đưa họ đi qua từng mắt xích của đường dây đã được hình thành, hoạt động trơn tru từ trước.
Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật.
Chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống.
Một số phương thức, thủ đoạn bọn buôn người thường sử dụng như: Kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”. Sau khi nạn nhân “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, đẻ thuê,…
Khi nạn nhân không chịu được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.
Về nguyên nhân tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp thời gian gần đây, một phần cũng do công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, nhân hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân, việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Song, nguyên nhân trực tiếp vẫn là do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, từ đó áp lực tìm kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người.
Bi kịch đằng sau những cuộc hôn nhân ngoại quốc
Theo số liệu thống kê, tính riêng năm 2023 và quý I/2024, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ 4 vụ mua bán người, bắt, khởi tố 14 bị can có liên quan.
Đặc biệt, chỉ trong một năm, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã xác lập và triệt phá thành công 2 chuyên án đấu tranh với nhóm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, qua đó triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc “lấy chồng ngoại quốc”.
Cụ thể, ngày 17/10/2023, “tú bà” cầm đầu đường dây buôn người Lương Thị Hải (sinh năm 1994, ngụ tỉnh Nghệ An) và 5 “chân rết” ngụ tại nhiều địa phương như: Nguyễn Thị Ngọc Hà (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Sóc Trăng); Thạch Thị Thu Nga (sinh năm 1978, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu); Phạm Thị Tú (sinh năm 1962);
Huỳnh Mộng Linh (sinh năm 1987) và Nguyễn Thị Tuyền (sinh năm 1993) cùng ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, đã bị TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên phạt tổng mức án lên đến 88 năm tù giam với loạt tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đây là đường dây buôn người được hình thành dưới vỏ bọc mai mối “lấy chồng ngoại quốc” từ năm 2019. Các đối tượng tìm kiếm, dụ dỗ 11 cô gái ở các vùng nông thôn trên cả nước để bán cho những đàn ông Trung Quốc; tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người, chúng sẽ được trả số tiền từ 200 – 400 triệu đồng.
Chuyên án khép lại với những bản án nghiêm minh, thích đáng cho tội ác mà các đối tượng buôn người gây ra. Dù vậy, tội phạm buôn người vẫn tiếp tục hoạt động, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Ngày 30/01/2024 vừa qua, Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đấu tranh, bóc gỡ đường dây buôn người với quy mô, mức độ lớn.
Cầm đầu đường dây buôn người này là Danh Thị Mau (sinh năm 1972) và Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1984), cùng ngụ ấp Thị Trấn A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định Danh Thị Mau và Nguyễn Thị Loan câu kết với một số đối tượng trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp, những phụ nữ đã thôi chồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận, rồi dụ dỗ nếu đồng ý lấy chồng Trung Quốc sẽ đưa cho gia đình họ số tiền từ 90 - 120 triệu đồng/người.
Khi các nạn nhân đồng ý, các đối tượng nhanh chóng đưa những người phụ nữ vượt biên trái phép sang Trung Quốc bằng các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới phía Bắc.
Sau khi qua đến Trung Quốc, chúng tiếp tục câu kết với một số đối tượng người Việt Nam làm nghề mai mối hôn nhân đang sinh sống tại đây để gả những nạn nhân cho những người đàn ông Trung Quốc với số tiền từ 300 - 400 triệu đồng/người, số tiền này các đối tượng sẽ chung chia với nhau.
Với thủ đoạn trên, từ năm 2015 đến nay, hơn 100 phụ nữ, có cả trẻ em ở khắp các tỉnh, thành phố đã bị chúng bán sang Trung Quốc để thu lợi bất chính hơn 10 tỷ đồng.
Còn đó những gian nan
Từ thực tiễn đấu tranh các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể thấy, tội phạm mua bán người được hình thành theo kiểu “tội phạm ẩn”, việc phát hiện, điều tra làm rõ yếu tố cấu thành tội phạm đòi hỏi quá trình đấu tranh kiên trì, thu thập chứng cứ từ nhiều phía. Song, đa phần các chứng cứ thu thập được lại rất khiêm tốn, chủ yếu căn cứ vào lời khai của nạn nhân.
Tuy nhiên, một số nạn nhân sau khi được giải cứu trở về quê hương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti nên không tố giác tội phạm với cơ quan chức năng. Có những trường hợp nạn nhân đến tố giác nhưng do tâm lý bị khủng hoảng trong thời gian dài nên không nhớ rõ được chính xác nơi mình bị bán, bị giam giữ.
Từ quá trình bóc gỡ các đường dây mua bán người trên địa bàn tỉnh, Thượng tá Lâm Mỹ Thuận, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong đường dây mua bán người này, số đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các mắt xích có liên quan đa phần sử dụng họ tên, địa chỉ giả nên việc làm rõ nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động rất khó khăn; giữa chúng lại có sự phân công nhiệm vụ rất chặt chẽ, mỗi đối tượng được giao đảm nhận vai trò riêng và hầu như các đối tượng này hoạt động đơn tuyến.
Mặt khác, chúng sống tại nhiều tỉnh, thành phố thậm chí ở nước ngoài gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy bắt, dẫn giải đối tượng. Những vụ mua bán người nằm trong đường dây thì hầu hết diễn ra tại các tỉnh khu vực biên giới thậm chí tại Trung Quốc nên việc thu thập tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn những bị hại đang ở Trung Quốc, còn những trường hợp đã về Việt Nam thì do tâm lý mặc cảm, lo sợ bị trả thù nên không đến cơ điều tra tố giác, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình đấu tranh chuyên án”.
Có thể thấy, công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn; tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT của địa phương.
Do đó, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng Công an, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần xác định công tác phòng chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Phải quán triệt quan điểm phòng chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như: vấn đề hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo…
Song, vấn đề quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Hãy “nghĩ trước, bước sau”, cân nhắc thật kỹ trước những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng từ những “giấc mơ chồng ngoại” để tự bảo vệ chính mình trước “nanh vuốt” của bọn buôn người.