Tin địa phương

“Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV- 2024 được tổ chức tại Bắc Kạn

PV 22/06/2024 - 06:49

Theo dự kiến, Ban Chỉ đạo Chương trình “Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 29/8/2024 tại tỉnh Bắc Kạn.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo "Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV, ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình, hoan nghênh các đơn vị đã tham gia và có trách nhiệm trong việc góp ý xây dựng các dự thảo chương trình, Bắc Kạn sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.

12.jpg
Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình “Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024

Đối với lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các tỉnh cùng góp sức, phát huy sự chủ động, cố gắng chuẩn bị những nội dung, tiết mục hay nhất để buổi lễ tạo được điểm nhấn ấn tượng trong lòng du khách.

Nội dung xúc tiến tại Đà Nẵng tập trung vào xúc tiến du lịch nói chung và xúc tiến Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024.

Đối với cuộc thi Người đẹp du lịch Việt Bắc cần nâng tầm, quảng bá, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng…

Đề nghị các tỉnh, các đơn vị truyền thông đậm nét về chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn 2024. Các địa phương cùng nỗ lực để tạo ra những sản phẩm chung, đem lại nhiều kết quả, nhiều giá trị hơn cho các tỉnh vùng Việt Bắc thông qua sự kiện”

Chiến khu Việt Bắc xưa gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lạng Sơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đây là an toàn khu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Nay, sáu tỉnh chiến khu đang phát huy tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập cho người dân.

img_20230920120152.jpg
Nhắc đến Bắc Kạn du khách nhớ ngay đến Khu di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, được mệnh danh là viên ngọc xanh của nhân loại. Và không gian văn hóa sắc Chàm trên dòng sông Cầu thơ mộng

Trong tổng số 128 di tích quốc gia đặc biệt trong toàn quốc, Việt Bắc đã đóng góp nhiều di tích, tiêu biểu như: Pác Bó (Cao Bằng); Khu di tích Tân Trào, Khu di tích lịch sử Kim Bình, Danh thắng Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang); ATK Định Hóa (Thái Nguyên); Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)...

Trong 22 di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh, Việt Bắc cũng là khu vực có nhiều di sản được công nhận, như: công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam...

Tất cả làm nên một miền di sản phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc, là tiềm năng thế mạnh để các địa phương phát triển kinh tế du lịch với nhiều loại hình phong phú.

Trong các tỉnh Việt Bắc, Tuyên Quang có 4 di sản được công nhận gồm: “Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn” ở xã Hồng Quang (Lâm Bình); “Lễ hội đình Hồng Thái” ở xã Tân Trào (Sơn Dương); “Tri thức về cọn nước của người Tày” ở các xã Trung Hà, Hà Lang (Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (Na Hang), xã Phúc Yên (Lâm Bình); “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày” ở các xã Lăng Can, Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên (Lâm Bình). Tỉnh Bắc Kạn có “Hát ru của người Tày” ở xã Giáo Hiệu (Pác Nặm). Tỉnh Cao Bằng có “Nghề dệt thổ cẩm của người Tày” ở xã Ngọc Đào (Hà Quảng).

Cùng với đó là hệ thống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng, các làn điệu dân ca, dân vũ dân gian đặc sắc như: điệu Sình ca của người Cao Lan, lễ cấp sắc, điệu Páo Dung của người Dao, làn điệu Soọng Cô của người Sán Dìu… chứa đựng trong đó các giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc. Đặc biệt lối sống, nếp sinh hoạt văn hóa của con người Việt Bắc mộc mạc, chân thành đã trở thành nét đẹp vô cùng hấp dẫn du khách tìm hiểu.

Đặc biệt ẩm thực Việt Bắc rất độc đáo, có nhiều món ngon, sản vật có giá trị như dẻ trùng Khánh (Cao Bằng); quýt, trám đen (Bắc Kạn); hồng Lạng Sơn, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng (Lạng Sơn); chè Tân Cương (Thái Nguyên); mận và lê Hoàng Su Phì (Hà Giang) … mang hương vị núi rừng tự nhiên.

Với những phong vị ẩm thực độc đáo, thể hiện tập quán, lối sống của người vùng cao như bánh khảo (Cao Bằng); tôm chua Ba Bể (Bắc Kạn); lợn quay (Lạng Sơn); bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên); bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Na Hang (Tuyên Quang); thắng cố, cháo ấu tẩu (Hà Giang) … đã thực sự gây thương nhớ với những ai đã từng một lần được thưởng thức.

PV