Tái khởi động cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau 6 năm ‘nằm im’
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý chính thức thi công trở lại sau 6 năm “trùm mền” vì vướng giải phóng mặt bằng và không phù hợp với nghị quyết “không làm dự án BOT trên đường hiện hữu”.
Sáng 21/6, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng mới mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân. Tham dự có ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng nhiều đại biểu khác.
Phát biểu khai mạc, ông Lương Minh Phúc – Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư 491 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng 44 tỷ đồng, chí phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật là 190 tỷ đồng; chi phí thanh toán cho nhà đầu tư trước đây là 230 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các chi phí Tư vấn, Quản lý dự án, chi phí dự phòng và các chi phí khác.
Tổng diện tích sử dụng đất cho dự án phải thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư là 1,5ha. Với 43 hộ dân phải bàn giao một phần diện tích nhà hiện hữu để thi công dự án. Dự kiến vào ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành dự án này
Khi đó cầu Tân Kỳ - Tân Quý cùng với đường Tân Kỳ - Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng sẽ hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1A đến trung tâm Thành phố và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đơn vị thi công sẽ dồn lực để đẩy nhanh tiến độ, thi công gói gọn trong vòng 6 tháng để kịp thông xe.
Theo ông Phúc, cùng với cầu Tân Kỳ - Tân Quý, việc hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ người dân Thành phố vào cuối năm nay hàng loạt dự án bao gồm: Dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý; Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa; Dự án mở rộng đường Tên Lửa; Dự án xây mới cầu Bà Hom… sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực.
Tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, đây là việc làm rất có ý nghĩa khi cầu Tân Kỳ - Tân Quý được khởi công lại. Trước đó, chúng ta phải vượt qua nhiều thủ tục mới có kết quả như hôm nay.
Đầu tiên phải kể đến giao thông cục bộ, khi đưa cầu vào khai thác sẽ giải quyết tình trạng ùn ức trục đường này rất nhiều. Đặc biệt là trục giao thông cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ đến là giao thông đường thuỷ, chỉnh trang đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường. Cây cầu này bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát cùng với Dự án Tham Lương - Bến cát - Rạch Nước Lên có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài chức năng giải quyết giao thông đường bộ, cây cầu này còn cải thiện giao thông đường thuỷ vì tĩnh không cầu được nâng lên.
Đây là dự án đầu tiên Thành phố áp dụng cơ chế chuyển từ dự án BOT trước đây sang hình thức đầu tư công. Việc khởi công dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý là kết quả của quá trình các Sở, Ngành Thành phố cùng nhóm công tác liên ngành thực hiện hợp đồng BOT đoạn An Sương - An Lạc - Quốc lộ 1.
Với sự giám sát của tổ công tác Thành ủy, hỗ trợ của các đơn vị, địa phương đã tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hoàn tất công tác thương thảo chấm dứt hợp đồng BOT với Nhà đầu tư trước đây.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được xây dựng trước năm 1975, có vị trí nằm trên trục đường Tân Kỳ - Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Năm 2012, cầu được đưa vào danh mục cầu yếu, cần được cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới.
TP.HCM khi đó đang hoàn tất trình thủ tục quy định về đầu tư công để triển khai đầu tư bằng tiền ngân sách thành phố, dự kiến sẽ triển khai đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2021. Tuy nhiên, ngày 26/8/2016, cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác.
Trong bối cảnh ngân sách thành phố còn rất hạn hẹp, xét thấy vị trí khu vực sự cố nằm liền kề với dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc thực hiện theo Hợp đồng BOT, UBND TP đã chấp thuận bổ sung cầu tạm và cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý vào hợp đồng BOT dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc do Công ty IDICO-IDI làm chủ đầu tư.
Công trình được khởi công quý 1/2018 với tổng vốn đầu tư 312 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2018. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, khi cầu đã xây dựng được 70% thì phải tạm ngưng do chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm dự án BOT trên đường hiện hữu).