Báo chí đổi mới để phát triển
Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, báo chí luôn gắn bó mật thiết với đời sống, phản ánh tâm tư và nguyện vọng của người dân. Hiện nay, khi bước vào thời đại công nghiệp số, báo chí Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
PV: Theo xu thế hiện nay, báo chí đang đối mặt với một loạt thách thức từ trí tuệ nhân tạo, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội. Trong bối cảnh này, các tổ chức đào tạo báo chí cần thực hiện những điều chỉnh cụ thể nào để đảm bảo sinh viên có khả năng tiếp cận và áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất khi tốt nghiệp?
TS. Phan Văn Kiền: Trước hết, phải khẳng định rằng sự tác động của trí tuệ nhân tạo cũng như các xu hướng của công nghệ 4.0 đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội là rất rõ ràng. Và gần như tất cả các cái lĩnh vực thì đều ảnh hưởng và chịu sự chi phối cần phải thay đổi. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng không nằm ngoài xu thế đó. Và đặc biệt là ngành đào tạo về Báo chí truyền thông là một ngành rất là đặc thù khi nó gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông.
Trong bối cảnh đó, những năm gần đây hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo về báo chí truyền thông đều phải liên tục cập nhật và thay đổi các chương trình đào tạo của mình. Những chương trình đào tạo về các nền tảng công nghệ số, AI, những công nghệ mới nhất như ChatGPT cũng đã được một số cơ sở đào tạo cập nhật vào trong chương trình đào tạo. Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn luôn có hai tiêu chí rất là rõ ràng trong việc đào tạo người làm báo. Thứ nhất, chúng tôi trang bị kiến thức nền tảng tốt cho họ, để sau này họ có cách ứng xử và cách ứng phó với các các đề tài trong quá trình tác nghiệp. Thứ hai, các sinh viên của chúng tôi thường xuyên được cập nhật các thay đổi, xu hướng mới của báo chí truyền thông.
Trong bối cảnh đó, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong chương trình đào tạo đã đưa vào các chương trình về truyền thông Đa phương tiện, truyền thông số rồi truyền thông trên các phương tiện di động. Và đặc biệt là từ năm 2023, trong lần thay đổi chương trình mới nhất, chúng tôi đã đưa vào một học phần mới là học phần Công nghệ truyền thông số. Toàn bộ các công nghệ mới như ChatGPT, ứng dụng của AI, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường… Tôi nghĩ với những thay đổi như thế thì sinh viên ra trường có thể có một tâm thế không bị bỡ ngỡ trước khi hòa mình vào môi trường của nghề báo.
PV: Ngành Báo chí hiện nay ngày càng được giới trẻ quan tâm. Trong giai đoạn hiện nay, ông có thể lí giải lí do vì sao ngành Báo chí ngày càng thu hút được nhiều sinh viên theo học?
TS. Phan Văn Kiền: Có hai vấn đề cần phải nói ở chỗ này. Thứ nhất, xã hội hiện đại của chúng ta là xã hội thông tin. Tức là cái thông tin nó chi phối mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề trong đời sống xã hội. Vì thế mà ai nắm được thông tin là nắm được các dòng chảy còn lại. Báo chí truyền thông hiện đại là thiết chế được xem là kiến tạo và điều chỉnh cái dòng chảy thông tin đó trong xã hội. Cái thứ hai là những nghề liên quan đến báo chí truyền thông rất đa dạng và phổ biến.
Ví dụ như là làm lĩnh vực liên quan đến nội dung, lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Thậm chí là có thể tự mình bán hàng, nếu có kiến thức báo chí truyền thông có thể bán hàng online rất hiệu quả. Nên tôi nghĩ rằng, từ những cái nhu cầu xã hội đó nó khiến cho nhu cầu học ngành báo chí truyền thông tăng cao.
PV: Ông có thể chia sẻ những góc tiếp cận nghiên cứu mới trong truyền thông số hiện nay?
TS. Phan Văn Kiền: Truyền thông số cũng như các xu thế công nghệ mới khác khi ra đời thì nó thường trải qua ít nhất ba bậc nghiên cứu và nó đi sâu dần. Đầu tiên người ra sẽ đi nghiên cứu công nghệ. Cách đây 10 năm thì công nghệ truyền thông số đã được nghiên cứu rất nhiều. Cái thứ hai là những nghiên cứu liên quan trực tiếp từ công nghệ đó như là các lĩnh vực ứng dụng, nghề nghiệp kinh tế. Ví dụ như đối với truyền thông, đầu tiên người ta sẽ nghĩ về công nghệ. Sau đó nghiên cứu những lĩnh vực liên quan như kinh tế số, kinh tế truyền thông, rồi nghiên cứu về kĩ thuật truyền thông,…
Và đến cái tầng lớp thứ ba nó nghiên cứu về văn hóa, về quyền lực rồi tư tưởng. Cho đến hiện nay, những nghiên cứu về truyền thông số đã bắt đầu bước vào giai đoạn ba. Đó là nghiên cứu về bất bình đẳng số, nghiên cứu về bạo lực số, rồi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hệ tư tưởng, liên quan tới văn hóa, liên quan đến những dòng chảy khác ở đằng sau cái sự hiện diện của công nghệ số ở trong đời sống.
PV: Theo ông, Báo chí hiện đại cần phải có sự thay đổi như thế nào để phù hợp với thời đại 4.0?
TS. Phan Văn Kiền: Thời đại 4.0 đặt ra một số đặc trưng mà người làm báo trong bối cảnh hiện đại phải thay đổi. Cái thứ nhất là cùng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, thì những công việc thông thường chỉ đơn thuần là đi cập nhật tin tức của nhà báo có nguy cơ bị thay thế. Bởi vì một công cụ của trí tuệ nhân tạo có thể lao vào một đám cháy để cập nhật ngay thông tin từ trong đám cháy và viết một bản tin rất là nhanh chóng. Rồi những video đơn thuần về thiên tai, lũ lụt, những vấn đề trong đời sống thường nhật thì cái đấy trong tương lai AI sẽ giải quyết.
Cho nên, nhà báo mà chỉ đi đưa thông tin đơn thuần có thể sẽ bị thay thế bởi AI. Cái thứ hai nữa là cùng với câu chuyện công nghệ, chúng ta nói đến 4.0, chuyển đổi số hay các công nghệ đang chiếm rất nhiều tỷ lệ công việc của các nhà báo. Tuy nhiên, đấy là góc nhìn về công nghệ thôi.
Còn theo tôi nghĩ, nội dung vẫn là cái quyết định công việc của nhà báo. Có truyền tải bằng phương tiện, nền tảng nào thì cuối cùng anh vẫn phải có nội dung. Vì thế, trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như 4.0, nhà báo phải làm quen với các công nghệ là điều mà chúng ta không thể từ chối.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên lo lắng rằng mình bị thay thế khi mình vẫn có thể tạo nên được những nội dung tốt. Thế cho nên, tôi nghĩ trong bối cảnh 4.0, những nhà báo chỉ đơn thuần làm những công việc mà máy có thể làm được sẽ bị thay thế. Và như thế đòi hỏi anh phải làm những công việc mà máy chưa được học hoặc là máy không thể được dạy. Ví dụ như những nội dung liên quan đến cảm xúc, trải nghiệm, những sáng tạo, những nguyên tắc thông thường không thể tạo ra được.
Thế nên, tôi nghĩ là đấy là những xu hướng trong tương lai mà nhà báo sẽ phải làm.
Càng ngày mạng xã hội có thể sẽ càng lan truyền câu chuyện tin tức giả và kiểm định thông tin rất khó. Lúc này, báo chí sẽ quay lại với chức năng nguyên thủy của mình, bên cạnh chức năng thông tin. Đó là chức năng giúp cho công chúng kiểm chứng sự thật. Tức là lúc này công chúng sẽ không lên báo để đọc tin tức đơn thuần, mà sẽ lên báo để kiểm chứng xem thông tin ấy có thật không. Và nếu như báo chí không làm tốt vai trò đó thì anh cũng sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Tôi nghĩ đấy là xu hướng, thách thức đòi hỏi nhà báo phải đối diện trong bối cảnh mới.
PV: Cái tâm, cái tầm của thế hệ những nhà báo trẻ hiện nay có đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội?
TS. Phan Văn Kiền: Bản chất của báo chí là nằm ở nội dung chứ không phải công nghệ. Công nghệ và những nền tảng mới, là những cái yếu tố hỗ trợ cho việc truyền tải nội dung tốt hơn. Cho nên bản chất của nhà báo hiện đại không phải chỉ có nắm công nghệ mà cái còn lại vẫn là sản xuất ra nội dung.
Thế thì cái phẩm chất hay là cái tư cách của anh nó thể hiện qua nội dung chứ không phải qua công nghệ. Cái thứ hai tôi nghĩ khi làm báo là anh được trao một cái sứ mệnh, ở đây không đơn thuần anh chỉ nhận thông tin và anh trao lại thông tin cho công chúng mà anh được giao một sứ mệnh nắm cái ngọn cờ tiên phong trong cái lĩnh vực thông để cung cấp cho công chúng không chỉ là thông tin tốt nhất, thông tin chuẩn xác nhất mà nó còn là những cái thông tin có tính mẫu mực.
Tức là ở đây có cả cái câu chuyện phải có định hướng về tư tưởng, định hướng về cách nghĩ cách hiểu trước cái luồng thông tin mà công chúng tiếp nhận được. Với sứ mệnh đó đòi hỏi nhà báo không chỉ có kĩ năng đưa tin. Nếu chỉ có kĩ năng đưa tin nhanh thì trong bối cảnh này chúng ta không thể lại một cái máy rồi. Trong bối cảnh đó nhà báo sẽ phải tập trung vào cái phẩm chất, vào cái bản lĩnh và đặc biệt là cái tri thức nền tảng của mình.
Vì để một nhà báo có thể làm được báo, một tác phẩm báo chí thông thường thì chỉ cần học kĩ năng nghề nghiệp. Nhưng để nhà báo có thể phát triển sự nghiệp và đi xa trong sự nghiệp của mình. Tức là phát triển nó như một dấu ấn mang tinh cá nhân thì đòi hỏi anh phải có nền tảng tri thức rất là tốt về một số cái mảng. Cho nên trong cái triết lí đào tạo sinh viên của chúng tôi thì chúng tôi coi việc đào tạo nghề nghiệp là một phần mà thôi. Cái quan trọng nhất vẫn là cái đào tạo tri thức nền tảng. Bởi vì tri thức nền tảng mới là thứ dẫn nhà báo đi xa. Còn công nghệ, kĩ năng nghề nghiệp là cái áo để giúp nhà báo định danh cái nghề nghiệp của mình.
Với sứ mệnh đó tôi nghĩ rằng nhà báo dù thời đại nào cũng cần chuẩn bị tâm thế thật là tốt cho việc là chuẩn bị cả về phẩm chất, cả về năng lực cũng như là cái bản lĩnh nghề nghiệp để phục vụ sứ mệnh cao cả của báo chí. Thế thì tôi nghĩ rằng nhà báo của 3.0, 4.0 hay của mấy chấm không đi chăng nữa thì ngoài câu chuyện thích ứng với công nghệ thì anh vẫn phải chuẩn bị những cái năng lực đó, phẩm chất đó để phục vụ tốt cho nghề nghiệp của mình. Đối với những bạn nhà báo trẻ hiện nay ấy thì các bạn được tiếp cận công nghệ rất là sớm cho nên là mức độ thành thạo của các bạn rất là tốt. Tuy nhiên, như tôi đã nói cái phẩm chất, cái trình độ năng lực hiểu biết về các tri thức cơ bản rất là quan trọng. Cho nên là nếu như các bạn ấy mà chỉ hiểu biết công nghệ mà bỏ qua đi những yếu tố đằng sau thì sẽ rất là nguy hiểm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.
Đồ họa: Tuấn Dũng.