Bà Rịa - Vũng Tàu: Tranh chấp di sản thừa kế gần 20 năm vẫn chưa có hồi kết
Xuất phát từ giấy tờ dùng để kê khai di sản thừa kế còn “mập mờ”, 9 anh chị em trong gia đình đã cuốn vào cuộc tranh chấp thửa đất do cha mẹ để lại gần 20 năm vẫn chưa có hồi kết...
Theo hồ sơ, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Soát (SN 1922, mất năm 2006) và cụ Nguyễn Thị Hòa (SN 1926, mất năm 2005) có 9 người con. Sinh thời, họ có tạo lập được một thửa đất tại xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 9.657m2. Sau khi cụ Soát qua đời 11 ngày, ngày 11/7/2006, mảnh đất này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) do cụ Soát đứng tên.
Sau khi cụ Soát chết, ông Nguyễn Văn Xinh (con trai vợ chồng cụ Soát, cụ Hòa) dùng “Tờ di chúc” được lập ngày 15/02/2005 với nội dung được thừa kế toàn bộ diện tích đất nói trên để lập thủ tục kê khai, hưởng di sản thừa kế.
Đến năm 2009, các anh chị em trong gia đình phát hiện có người lạ đến đổ đất, đóng cọc trên phần đất cha mẹ để lại. Họ tìm hiểu mới biết ông Xinh đã làm thủ tục thừa kế toàn bộ thửa đất này và chuyển nhượng một phần cho người khác.
Cho rằng, di chúc đó không phải của cha mẹ mình viết và ký tên nên 7 anh chị em (trừ bà Nguyễn Thị Hội) đã tiến hành khởi kiện, đòi phải chia cho tất cả các đồng thừa kế.
Trong quá trình giải quyết, ông Xinh luôn cho rằng, di chúc này do cha mẹ lập và có hai người làm chứng bà Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Lụa. Hơn nữa, ngày 15/9/2005, bố mẹ ông đã tổ chức họp gia đình với mục đích để thông báo cho tất cả các con trong gia đình là bố mẹ để lại mảnh đất hơn 9.600m2 ở xã Hòa Long cho ông Xinh, sau khi hai cụ qua đời.
Trong cuộc họp có làm “Giấy cho nhà ở và đất”, mặt trước ghi nội dung cho ông Xinh thừa kế đất và chữ ký của bố mẹ ông. Còn mặt sau là chữ ký của 8 người con (trừ ông Phúc không ký)… nên ông Xinh đương nhiên được hưởng toàn bộ số di sản này.
Ngược lại, 7 anh chị em ông Xinh phủ nhận tất cả các vấn đề mà ông Xinh đưa ra. Họ cho rằng, chữ ký trong “Tờ di chúc” ngày 15/02/2005, “Giấy cho nhà ở và đất” ngày 15/9/2005 cũng như “Giấy sang nhượng” ngày 05/5/2003 không phải là bố mẹ ký tên. Bởi lẽ, đối chiếu với các chữ ký trong các văn bản trước đây có chữ ký của cụ Soát, cụ Hòa thì các chữ ký này hoàn toàn khác với chữ ký trong các giấy tờ mà phía ông Xinh đưa ra.
Tại kết luận giám định số 5544/KL-KTHS ngày 24/7/2023 của Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký đứng tên Nguyễn Văn Soát, Nguyễn Thị Hòa trên các tài liệu giám định có phải hay không phải do cùng một người ký ra”.
Hơn nữa, những người làm chứng trong di chúc đều cho rằng, họ được mời tới ký, chứ không trực tiếp chứng kiến cụ Soát, cụ Hòa ký hoặc điểm chỉ trước mặt họ. Bên cạnh đó, “Tờ di chúc” được UBND phường Phước Hưng ký xác nhận sau đó gần 2 tháng. Nội dung xác nhận là “ông Soát, bà Hòa có hộ khẩu thường trú tại địa phương”, chứ không phải xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc.
Do vậy, các chị em ông Xinh cho rằng, theo quy định pháp luật, hình thức của tờ di chúc này không hợp pháp. Điều này cũng cùng quan điểm nhận định của VKSND cấp cao tại TPHCM tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm 58 ngày 18/2/2020.
Đối với vấn đề họp gia đình để công bố nội dung di chúc vào ngày 15/9/2005, các anh chị em còn lại đều khẳng định không hề có cuộc họp gia đình đó. Ngay cả bà Nguyễn Thị Hội (người không đứng đơn khởi kiện) cũng khẳng định không có cuộc họp gia đình. Bà cũng không ký tên tại cuộc họp đó vì thời điểm đó bà đang phải không có mặt tại địa phương. Còn chữ ký của bà trên “Giấy cho nhà ở và đất” này là do người khác ký, chứ không phải của bà.
Về chữ ký trên “Giấy cho nhà ở và đất”, các anh chị em ông Xinh đều thừa nhận đó là chữ ký của mình, nhưng không phải ký tại cuộc họp gia đình như ông Xinh trình bày. Theo họ, trên thực tế không hề có cuộc họp này, mà ông Xinh đưa tới tận nhà từng người để nhờ ký với mục đích để làm thủ tục sửa nhà. Họ không hề nghe ông Xinh nói ký để cha mẹ cho đất. Do tin tưởng ông Xinh nên họ ký mà không xem nội dung mặt bên kia là gì?
Theo nhiều luật sư, mấu chốt của vụ án nằm ở chỗ “Tờ di chúc” cũng như “Giấy cho nhà ở và đất” có hợp pháp hay không? Theo quy định pháp luật, di chúc hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện cả về hình thức lẫn nội dung.
Rõ ràng trong vụ án này, hình thức của “Tờ di chúc” không đáp ứng theo Điều 659 BLDS 1995 quy định về Di chúc bằng văn bản có người làm chứng : “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.
Di chúc này cũng không đáp ứng quy định tại Điều 660, 661 BLDS năm 1995 vì vợ chồng cụ Soát, cụ Hòa không đến UBND phường Phước Hưng để làm di chúc và cũng không hề ký trước mặt người có thẩm quyền. Nội dung xác nhận của phường phước Hưng chỉ là xác nhận cụ Soát, cụ Hòa có hộ khẩu thường trú tại địa phương, chứ không xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc.
Ngoài ra, chữ ký trong “Tờ di chúc” cũng như “Giấy cho nhà ở và đất” này khi giám định đối chứng với các chữ ký trước đó đều chưa đủ cơ sở khẳng định có phải là của vợ chồng cụ Soát hay không…
Về vấn đề này, VKSND cấp cao tại TPHCM có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 58 ngày 18/2/2020 nêu hàng loạt tình tiết chưa được làm rõ, đặc biệt là chữ ký của cụ Soát, cụ Hòa, về hình thức di chúc không đúng quy định của pháp luật, về cuộc họp gia đình…
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, ngày 28/5/2020, TAND cấp cao tại TP. HCM đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 119 chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cấp tại TPHCM, trả hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định.
Đến nay, vụ tranh chấp di sản thừa kế về thửa đất trên vẫn chưa có hồi kết.