Báo chí kiến tạo: Hơi thở của xã hội
Cũng như bất kỳ công việc lao động chân chính nào, công việc của những người làm báo đã tạo nên những sản phẩm thông tin có giá trị đối với đời sống xã hội. Sự chăm chỉ, nghiêm túc của đội ngũ những người làm báo đã góp phần làm nên một nền báo chí với thực tiễn sinh động, ngày càng hướng tới sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Nhân dịp Kỉ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), báo Công lý đã có buổi trò chuyện cùng Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức
PV: Người ta nhắc đến “Chuyển đổi số” cũng như “Chuyển đổi số báo chí” ngày càng nhiều. Vậy theo ông, chuyển đổi số báo chí là gì?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Nội dung về Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, báo chí số diễn ra rất phổ biến. Gọi tắt là số hóa các quy trình, công việc làm thay bàn giấy. Điều này xảy ra đã rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài công cuộc đó. Chuyển đổi số trong báo chí cũng được định nghĩa, hiểu một cách rất đơn giản.
Trước kia là phóng viên, biên tập viên hay các cán bộ đều đến tòa soạn ngồi làm việc tập trung. Nhưng bây giờ trong quá trình chuyển đổi số báo chí, chúng ta có thể làm việc ở bất cứ đâu như ở nhà, quán café. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra, chuyển đổi số báo chí được ứng dụng và phát triển rộng khắp ở tất cả các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số báo chí là một yêu cầu bắt buộc, tất cả các cơ quan đều phải chấp hành, tuân thủ và tìm cách thích ứng.
PV: Theo ông, chuyển đổi số với việc sản xuất một tác phẩm báo chí được thể hiện như thế nào?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Đó là việc ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu sản xuất tin, bài. Ví dụ như chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, phóng viên có thể vừa quay phim, vừa chụp ảnh, vừa viết bài và chuyển email hay làm trên những nền tảng mạng xã hội khác. Từ đó, ngay cả Facebook, Zalo chúng ta đều tiếp cận được nguồn tin một cách dễ dàng và số hóa quy trình làm báo. Trước kia, báo phải vẽ maket trên giấy, nhưng bây giờ, maket, trình bày hay duyệt đều là sử dụng file PDF và chuyển sang nhà in. Toàn bộ là quá trình sản xuất khép kín từ khai thác thông tin đến tổ chức triển khai thực hiện tác phẩm báo chí đến quy trình duyệt, chế bản và xuất bản với những tác phẩm trên ấn phẩm báo in truyền thống. Với các loại hình báo chí mới như điện tử, truyền hình thì dựa trên hoàn toàn công nghệ số.
PV: Các xu hướng báo chí đã và đang thịnh hành trên thế giới đều gắn với quá trình chuyển đổi số. Theo ông, xu hướng này đang diễn ra thế nào?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Xu hướng chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Hiện nay, chúng ta có 4 loại hình báo chí chính đều dựa trên công nghệ số. Từ báo in, ứng dụng công nghệ số như quét mã QR. Hay câu chuyện thực tế ảo sẽ giúp bạn đọc có những trải nghiệm mới ngay trên sản phẩm báo in cũng như báo mạng, điện tử, phát thanh khiến người đọc, người nghe, xem đều có thể có cảm giác thú vị, nhiều phương thức tiếp cận thông tin mới đa nền tảng hơn. Một điều nữa khẳng định, báo chí không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này.
PV: Một khái niệm mới, được ngành báo chí quan tâm. Đó là báo chí kiến tạo, ông có thể chia sẻ về xu hướng này.
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Báo chí kiến tạo cũng xuất hiện khá lâu và dần trở thành xu hướng. Đó là báo chí trí tuệ mang những nội dung chuyên sâu, phân tích, lý giải, bình luận… Làm sao để bạn đọc hiểu rõ bản chất, chủ đề của từng tác phẩm báo chí đề cập, cơ quan báo chí đề cập. Hay là câu chuyện góp phần giúp công chúng thấu hiểu gốc rễ, căn cốt của chủ đề.
Thông qua đó, giúp bạn đọc hiểu, định hướng tư tưởng và tiến tới họ sẽ làm theo. Trong bối cảnh truyền thông số, truyền thông trên mạng xã hội bùng nổ thông tin thật, giả lẫn lộn thì câu chuyện báo chí mang tính chất trí tuệ, báo chí kiến tạo, định hướng, dẫn dắt dư luận sẽ rất quan trọng. Để giúp công chúng có những góc nhìn thấu hiểu, bản chất và tích cực, mang tính xây dựng, nhân văn nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng báo chí cần hướng đến điều này trong thời gian tới.
PV: Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề báo, ông có thể chia sẻ với những sinh viên ngành báo mới ra trường, các nhà báo trẻ để họ có những bước đi đúng đắn với nghề?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn thì sinh viên, nhà báo trẻ đều có những môi trường tác nghiệp, tác động đến nhiều thứ, đặc biệt trong đạo đức hành nghề. Chính vì vậy, ngoài việc tiếp xúc, học hỏi nhiều cơ hội tiếp cận những khoa học, công nghệ mới, những kỹ năng mới trong nghề nghiệp, cuộc sống thì điều cần thiết là phải duy trì sự đam mê nghề nghiệp. Các bạn phải tích cực, dấn thân, phải lăn lộn với cuộc sống, thấu hiểu được những hơi thở để từ đó hòa mình, đồng cảm, thấu hiểu để có thể nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Rèn luyện bản lĩnh, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ để làm nổi bật hơn, rõ hơn những khía cạnh như báo chí kiến tạo, báo chí xây dựng để góp phần xây dựng, bảo vệ mọi mặt của xã hội, phát triển kinh tế. Để đất nước ngày càng có sự đồng thuận cao hơn, sự chia sẻ nhiều hơn, có những tác động lan tỏa mang tính chất dựng xây nhiều hơn.
PV: Công nghệ AI mang tới nhiều cơ hội cũng như thách thức, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Bất kể sự xuất hiện của công nghệ gì mới thì báo chí cũng đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội được tạo ra. Giờ ở đâu ta cũng dễ dàng nghe những câu chuyện như AI sẽ thay thế công việc của nhà báo. Đến một ngày, người làm nghề báo sẽ thất nghiệp... Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới đã có nhiều cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ AI vào làm thay như viết bản tin mang tính chất thông báo. Nhưng chỉ là những thông tin thông thường, không liên quan đến chính trị, không cần có quan điểm, chính kiến. Thậm chí có thể thay thế vào công việc đọc, MC thì ngay ở trong nước, hay trên thế giới cũng đã áp dụng rất nhiều.
Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn báo chí, đặc biệt là trong việc nêu chính kiến, phân tích, lý giải, bộc lộ cảm xúc. Nên việc của nhà báo, cơ quan báo chí là phải nhìn thấy những thế mạnh của AI để ứng dụng. Bên cạnh đó cũng phải nhận diện rất rõ những điều không thể thay thế. Để từ đó có sự phối hợp hài hòa giữa AI và con người. Như vậy sẽ cho ra những tác phẩm báo chí, nền báo chí mang tính chất xây dựng, kiến tạo và nhân văn. Từ đó phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
PV: Theo ông, nhà báo cần kỹ năng gì là quan trọng nhất?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Để trở thành một nhà báo, một người làm báo cần có rất nhiều kỹ năng. Từ khâu phát hiện đề tài, khai thác thông tin, kỹ năng thể hiện bài viết, góc độ tiếp cận từng bài viết, thay đổi sáng tạo nội dung. Nhưng theo tôi, kỹ năng quan trọng nhất đó chính là việc phát hiện đề tài.
Khi có một đề tài thì các bạn đồng nghiệp, các cơ quan báo chí, phóng viên đều có thể triển khai được nó tùy theo cái thể loại gì, loại hình như thế nào để phù hợp. Các cơ quan báo chí giờ cũng đã tích hợp nền tảng đa phương tiện. Nhưng nếu đề tài mang tính chất độc quyền, mang tính dựng xây, thú vị, hấp dẫn thì đó là yếu tố quan trọng để đánh giá sự thành công đối với một tác phẩm báo chí hay đưa đến khán giả.
PV: Với nghề báo, vinh quang có nhiều nhưng cám dỗ cũng không ít. Ông có thể gửi một lời chia sẻ cho chính mình, các đồng nghiệp là những nhà báo nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?
Nhà báo, TS. Nguyễn Tri Thức: Trên thế giới cũng đã có câu chuyện nói rằng báo chí được ví như quyền lực thứ 4. Tại Việt Nam cũng không phủ nhận, nhưng cũng không thừa nhận một cách chính thống. Tuy nhiên, báo chí luôn có vai trò, vị thế rất lớn trong xã hội, tác động thông tin của báo chí rất lớn. Thậm chí có thể làm thay đổi một số phận, một con người, một vấn đề, một làng quê hay một chủ trương, chính sách nào đó. Sự đóng góp của cả nền báo chí có thể bắt đầu từ một bài viết. Nhưng điều cần nhất là chúng ta cần phải công tâm, công bằng, khách quan, giữ gìn đạo đức trong việc hành nghề, hoạt động báo chí. Đó là những điều sẽ ngày càng xây dựng, bồi đắp vị thế của chính những nhà báo, bồi đắp, nâng cao uy tín, vị thế cơ quan báo chí, cũng như nền báo chí. Từ đó, đóng góp những điều tích cực, hiệu quả vào công cuộc giữ gìn, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.
Hình ảnh, Đồ họa: Tuấn Dũng.