Cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu duy trì an toàn vốn cho các ngân hàng
Trong 1 đến 3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Theo báo cáo của VIS Rating về ngành ngân hàng, trong 5 năm qua, các ngân hàng Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại.
Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của ngành ngân hàng tăng mạnh và đạt đỉnh ở mức 101% do huy động tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn.
VIS Rating dự báo, khi tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn trong 1 - 3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Trên thực tế, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn mức 104.000 tỷ đồng năm 2019. Trái phiếu tăng vốn cấp 2 chiếm 35% quy mô trái phiếu phát hành. Các ngân hàng sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho các khoản cho vay dài hạn và đáp ứng các tỷ lệ theo quy định: kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%.
Theo VIS Rating, phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ do các ngân hàng quốc doanh phát hành, tiếp đến là một số ngân hàng quy mô vừa và lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh và một vài ngân hàng nhỏ có lợi nhuận yếu hơn so với các ngân hàng cùng nhóm. Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường (senior), không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Về nhu cầu đầu tư trái phiếu tăng vốn cấp 2 của các nhà đầu tư, VIS Rating nhận định, nhu cầu của các nhà đầu tư vẫn duy trì ở mức cao.