Hôm nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng nay (21/6), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Trước khi kết thúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo đó, trong sáng 21/6, sau khi các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, ngày 6/6, trình bày tờ trình Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Luật gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương.
Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp NCTN; Quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội; Hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; Thủ tục tố tụng thân thiện; Thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN.
Đáng chú ý, điều 36, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với NCTN, gồm: 1. Khiển trách. 2. Xin lỗi bị hại. 3. Bồi thường thiệt hại. 4. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề. 5. Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý. 6. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. 7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới. 8. Hạn chế khung giờ đi lại. 9. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới. 10. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 11. Quản thúc tại gia đình. 12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung 2 biện pháp ngăn chặn mới là “giám sát điện tử và giám sát tại nhà”. Thu hẹp các trường hợp NCTN bị áp dụng biện pháp tạm giam và quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, NCTN chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.
Về hình phạt, dự thảo Luật giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù, trừ trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với NCTN.
Để có môi trường giáo dục, phục hồi tốt nhất (Điều 156), dự thảo luật quy định, không được giam giữ chung NCTN với người đã thành niên; NCTN được giam giữ tại trại giam riêng. Trại giam này được đầu tư các thiết bị giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa… để bảo đảm các quyền cơ bản của NCTN.
* Thảo luận tại tổ, về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (sáng 8/6), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nên xác định trẻ em là đối tượng giáo dục là chính chứ không phải trừng phạt; Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt với trẻ em phạm lỗi lầm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, dự thảo luật quy định vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau. Bởi nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra với người chưa thành niên phải theo người lớn.
Chưa kể toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của các cháu phải công khai trong bản án cùng với người lớn. Trong khi trong đạo luật này quy định không được công khai hành vi phạm tội của NCTN.