Văn hóa - Du lịch

Sầm Sơn và Hải Tiến nằm trong danh sách tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia

Thanh Phương 20/06/2024 - 17:00

Thành phố biển Sầm Sơn và biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) được quy hoạch nằm trong danh sách các địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia ở vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Cụ thể, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa có 2 địa phương là TP. Sầm Sơn và biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) nằm trong danh sách các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

dukhach.jpg
Biển Sầm Sơn luôn thu hút lượng khách lớn vào mùa hè.

Đối với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, có tất cả 17 địa điểm tiềm năng, gồm: Sầm Sơn - Hải Tiến (Thanh Hoá); Kim Liên (Nghệ An), Vinh - Diễn Châu (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Bà Nà (Đà Nẵng)...

Giai đoạn sau 2030, đề xuất nghiên cứu bổ sung Pù Luông và Bến En (Thanh Hóa) vào danh sách địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia.

haitien.jpg
Nhiều nhà đầu tư lớn đổ về Hải Tiến.

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Đối với vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử.

dulichhh.jpg
Thanh Hóa phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch “Con đường di sản miền Trung”; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Quy hoạch định hướng đến 2030, tập trung hình thành 6 khu vực động lực, trong đó khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.

Thanh Hóa là vùng đất có tiềm năng để phát triển du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc. Xứ Thanh đang tích cực liên kết với các địa phương, đơn vị để tăng cường trải nghiệm cho các du khách. Đặc biệt, với đường bờ biển dài hơn 102km, Thanh Hóa có nhiều bãi tắm đẹp trong đó có Sầm Sơn, Hải Tiến.

Thanh Hóa đặt mục tiêu năm 2024 đón 13,5 triệu lượt khách, trong đó Sầm Sơn đạt 8,5 triệu lượt. Sầm Sơn quyết tâm phấn đấu trở thành đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại, là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng tại biển Hải Tiến đã chạm mốc hơn 1,6 triệu lượt; tổng doanh thu từ ngành du lịch đạt hơn 2.100 tỷ đồng.

Thanh Phương