Nhịp cầu Công lý

Hà Nội: Nữ giáo viên tá hỏa vì bỗng trở thành giám đốc “nợ thuế”

K.Lâm - Đ. Việt 20/06/2024 - 09:53

Chỉ đến khi làm thủ tục xuất cảnh du lịch, bà H.T.N.L (giáo viên, trú tại Hà Nội) mới biết mình bị đưa vào diện “tạm hoãn xuất cảnh” do đứng tên giám đốc của 3 doanh nghiệp đang nợ thuế Nhà nước…Cho rằng mình đã bị mạo danh, bà L. đề nghị cơ quan vào cuộc làm rõ và xử lý người đã lập công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế trong vụ việc này…

Giáo viên làm Giám đốc “bất đắc dĩ” do bị mạo danh

Vào năm 2019, bà L. bất ngờ nhận được “Thông báo nợ thuế” của Chi cục thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) gửi về nhà riêng cho biết, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Diễm Anh (do bà L làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật; địa chỉ tại tổ 28 phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đang có khoản nợ thuế.

anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Sau đó, bà L. còn được biết, ngoài Công ty trên, bà L. còn bi kẻ xấu mạo danh để đứng tên thành lập hai công ty khác là Công ty TNHH Sản xuất, Xây dựng và Thương mại Thiên Hoa Nam; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Inox Việt (trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngay sau đó, bà L đã có đơn đơn tố giác đến Công an quận Ba Đình (địa bàn bà L. cư trú và đăng ký hộ khẩu thường trú) đề nghị làm rõ, xử lý đối tượng mạo danh bà để thành lập doanh nghiệp “ma” với mục đích mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.

Theo Bà L., bản thân bà là một viên chức, không tham gia kinh doanh, không đứng tên thành lập hoặc tham gia thành lập bất cứ công ty nào nên chắc chắn đã có người giả mạo bà để thành lập 3 Công ty trên. Trước đây, bà có 1 lần bị mất chứng minh nhân dân nên có thể đối tượng xấu đã lợi dụng giấy tờ này để thành lập công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn

Sau thời gian xác minh, cho rằng “do chưa thu thập được tài liệu có liên quan để làm rõ nội dung đơn tố giác nên chưa đủ căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”, ngày 5/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình đã ra Quyết định “tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm” đối với đơn tố giác của bà L.

Bao giờ hết rắc rối?

Gần 5 năm sau, vào tháng 5/2024, khi làm thủ tục xuất cảnh du lịch nước ngoài, bà L mới “tá hỏa” vì bị cơ quan chức năng đưa vào diện “tạm hoãn xuất cảnh” do đang nợ thuế với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Diễm Anh; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Inox Việt.

Bức xúc trước hệ lụy này, bà L. cho biết, “tuy số tiền nợ thuế không quá lớn nhưng tôi kiên quyết không nộp thay kẻ xấu để “xóa nợ”, “xóa’ lệnh tạm hoãn xuất cảnh mà tiếp tục có đơn gửi Công an quận Ba Đình và Công an TP Hà Nội đề nghị phục hồi việc giải quyết đơn tố giác tội phạm để giải quyết dứt điểm vụ việc”.

Theo bà L., đây không chỉ là việc mạo danh lập Công ty “ma” mà đằng sau vụ việc này là dấu hiệu của vụ mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế, cần được Cơ quan điều tra vào cuộc kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, cũng như quyền lợi hợp pháp của công dân.

Cùng với việc có đơn đến cơ quan công an, bà L cũng có đơn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Chi cục thuế quận Hoàng Mai và Chi cục thuế quận Cầu Giấy vào cuộc xác minh để “minh oan” cho bản thân.

Về vụ việc trên, một số Luật sư cho rằng, để xác minh đơn tố giác của bà L. thì CQĐT Công an quận Ba Đình cần yêu cầu các cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trong trường hợp này, không rõ cơ quan điều tra đã trao đổi với Chi cục Thuế quận Hoàng Mai và quận Cầu Giấy hay chưa mà bà L vẫn bị cơ quan thuế cảnh báo và đưa vào diện đề xuất “tạm hoãn xuất cảnh”?

Nếu xét thấy lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn thì cơ quan điều tra cần phục hồi việc giải quyết. Nếu xác định việc giải quyết không đúng thẩm quyền thì cần chuyển vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định.

Với cơ quan thuế, Luật sư cho rằng, sau khi xác minh chủ doanh nghiệp bị người khác giả mạo thì trước hết, cơ quan thuế cần phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng hủy bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh để đảm bảo quyền lợi cho những người bị mạo danh. Không thể vì chưa xác định được đối tượng giả mạo mà duy trì lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với những “khổ chủ” bị giả mạo này.

Theo tìm hiểu của phóng việc thì hiện nay, việc mạo danh người khác để lập công ty “ma” nhằm mua bán trái phép hóa đơn diễn ra khá nhiều. Rất nhiều nạn nhân trong các vụ việc này bị đưa vào diện “tạm hoãn xuất cảnh” như bà L.

Trong một khuyến cáo mới đây về việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, Tổng Cục thuế đã chỉ rõ một số hình thức vi phạm về bán hóa đơn, trong đó có việc đối tượng thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người bị mất cắp, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích.

Việc mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn không phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế, mất công bằng trong kinh doanh, thất thu thuế, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Người mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp sẽ bị xử lý hành chính về thuế, xử lý hình sự và bị xã hội lên án.

Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện chính sách, quy định chặt chẽ hơn đối với tổ chức, cá nhân đăng ký mới thông tin sử dụng hóa đơn điện tử, đối chiếu các thông tin của người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với thông tin định danh để xác định các trường hợp cần xác minh địa chỉ kinh doanh trước khi chấp thuận cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

K.Lâm - Đ. Việt