Về nơi ra đời tờ báo cách mạng
Về nơi ra đời tờ báo cách mạng Nằm trong dòng chảy của lịch sử Báo chí Cách mạng, Diễn Châu cũng là một trong những cái nôi của nền báo chí ở Nghệ An với những tờ báo xuất hiện rất sớm như tờ Bôn Sê Vích, tờ Vầng Hồng, Chuông Cách mạng…
Lật dở cuốn hồi ký của người cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ Võ Mai viết những năm 1930 thì Diễn Vạn, Diễn Châu là mảnh đất mà thuở thiếu thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến cùng với cha của mình.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo cậu Cung ra thăm cha cụ Võ Mai là cụ Võ Khôi, vốn là một nhà nho kết thâm tình. Chính sự kiện này sau đó đã soi sáng cho con đường cách mạng của những người yêu nước ở Diễn Vạn.
Ông Trần Ngọc Cảnh – Nguyên Bí thư Đảng ủy Diễn Vạn, Diễn Châu dựa trên tư liệu lịch sử kể lại: Vào khoảng 1905 cụ Nguyễn Sinh Sắc và con là Nguyễn Tất Thành có ra Vạn Phần quê hương cụ Võ Mai để chơi và đàm đạo công việc.
Hai cho con đi đường sông bằng đò dọc, lên bến ở Sông Bùng. Khi cụ Sắc cùng cụ Khôi sang vấn an cụ Võ Tất Đắc, cậu Cung đứng chơi bên thềm nhà, nói với cậu Mai (lúc đó lên 5 tuổi): “Em vào nhà xem cha có cuốn sách nào thì mượn cho anh đọc”...
Từ cơ duyên ấy, đến năm 1926, cụ Võ Mai được hội Hưng Nam cử đi sang Quảng Châu để dự lớp Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy.
Trở về nước, cụ Võ Mai tham gia tích cực thành lập Ban Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Diễn Vạn và Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trung Kỳ. Nhận thấy việc vô cùng cần thiết phải có một cơ quan ngôn luận định hướng tư tưởng cho Nhân dân và lãnh đạo phong trào cách mạng, năm 1929, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Võ Mai và Nguyễn Phong Sắc - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã làm chủ biên cho xuất bản tờ báo mạng Bôn Sơ Víc ngay trên đất Diễn Vạn, Diễn Châu.
Tờ Bôn Sê Vích là cơ quan ngôn luận của cơ quan xứ ủy Trung Kỳ tại Nghệ An lúc bấy giờ và là tiền thân của báo Nghệ An ngày nay.
Ông Trần Ngọc Cảnh
Ông Trần Ngọc Cảnh tiếp tục kể lại: Tờ Bôn Sê Vích là cơ quan ngôn luận của cơ quan xứ ủy Trung Kỳ tại Nghệ An lúc bấy giờ và là tiền thân của Báo Nghệ An ngày nay.
Báo được in ấn tại gia đình ông Trần Tấn. Do Đảng ta đang hoạt động bí mật nên việc in ấn lúc đó cũng khó khăn, kinh phí để duy trì dựa vào những người có điều kiện về kinh tế và có tinh thần yêu nước.
Nơi in ấn nằm trong một khu dân cư khá đông đúc được Nhân dân che chở, giữ bí mật. Tuy hoạt động trong điều kiện khó khăn, phương tiện thô sơ chỉ với 3 người làm công tác in ấn phát hành, nhưng bằng nhiệt huyết cách mạng, không quản hy sinh của những người cộng sản, trên 100 số báo Bôn Sê Víc ra đời và được chuyển đến tay bạn đọc.
Khi mà thời kỳ đấu cách mạng những năm 1930 hoạt động gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều luồng tư tưởng khác nhau thì những tờ báo như Bôn Sê Vích trở thành công cụ vô cùng sắc bén, phản ánh kịp thời các cuộc đấu tranh của Nhân dân ta, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của địch, cổ vũ phong trào cách mạng không chỉ ở Diễn Châu mà cả Nghệ Tĩnh thời bấy giờ.
Dòng báo cách mạng Việt Nam những năm 1930 có khoảng trên dưới 50 tờ thì ở Diễn Châu đã có mặt 3 tờ báo cách mạng là Vầng Hồng, Bôn Sơ Vích và Chuông Cách Mạng.
Cùng với sự ra đời của các tờ báo thì những năm 1930, Diễn Châu đã thành lập được hàng chục tổ đọc báo ở các làng Yên Lý, Hoàng Trường, Kim Lũy, Thừa Sủng…
Nhờ tiếp cận với báo chí cách mạng sớm đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Diễn Châu. Nên trong những năm 1930-1931, ở Diễn Châu đã nổ ra 131 cuộc biểu tình làm lung lay chế độ thực dân phong kiến.
Qua 99 năm xây dựng và trưởng thành, nền báo chí cách mạng ngày càng được phát triển mạnh mẽ trên quê hương Diễn Châu. Hiện nay, đội ngũ người làm báo ở Diễn Châu có khoảng trên 100 người. 100% người dân Diễn Châu đều được nghe xem sóng phát thanh, truyền hình, 100% tổ chức cơ sở Đảng, Chi bộ, đều có Báo Đảng.
Những hoạt động trên lĩnh vực báo chí đang góp phần cùng Đảng bộ, phát huy nội lực khơi dậy tiềm năng, động viên toàn đảng toàn dân xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.