Cải cách tư pháp

Đổi mới tên gọi các cấp Tòa án là đúng với bản chất của hoạt động xét xử

Mạnh Hùng 20/06/2024 - 06:56

“Các quy định ở luật tố tụng hiện hành của pháp luật Việt Nam đều quy định xét xử cấp sơ thẩm và xét xử cấp phúc thẩm. Việc đổi mới tên gọi là hoàn toàn đúng với bản chất của hoạt động xét xử nói chung của các cấp Tòa án”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) với PV Báo Công lý khi nói về một số điểm nổi bật của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi).

5dfd3b11-b2a3-48d0-bd21-9822a49998f7.jpeg
Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm

PV: Thưa Chánh án, xin ông cho biết trong số những nội dung của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), ông ấn tượng với nội dung nào nhất, vì sao?

Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đây là nội dung tôi ấn tượng nhất. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định điều này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”; đồng thời, cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Nội dung thứ hai cho thấy được sự thay đổi rất lớn của dự thảo Luật là việc quy định đổi mới về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử: TAND sơ thẩm; TAND phúc thẩm. Việc quy định đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử như trên là đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là để quán triệt và cụ thể hoá Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Việc quy định đổi mới Tòa án theo thẩm quyền xét xử cũng là một giải pháp nâng cao nhận thức của tổ chức, hoạt động của Tòa án trong mối quan hệ với nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp; đồng thời khắc phục cách hiểu quan hệ giữa các Tòa án là quan hệ hành chính. Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử cũng phù hợp với mô hình về tổ chức Tòa án của nhiều nước trên thế giới và khu vực hiện nay.

Nội dung thứ ba mà tôi rất tán thành là về nhiệm kỳ của Thẩm phán. Dự thảo quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán có thời gian là 5 năm và sau đó là kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, đây là một chế định phù hợp với với thực tiễn, thông lệ quốc tế. Trường hợp Thẩm phán có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thẩm phán có thể bị bãi miễn.

Hiện nay, quy định ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Pháp luật cũng đã đặt ra cơ sở để xử lý, kỷ luật, xử lý hình sự, bãi nhiệm Thẩm phán nếu có vi phạm. Quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán theo dự thảo Luật vừa đảm bảo tính rèn luyện, ý thức trau đồi phẩm chất, năng lực của Thẩm phán, đảm bảo tính độc lập trong xét xử để Thẩm phán yên tâm công tác.

PV: Chánh án có thể chia sẻ giữa Luật Tổ chức Tòa án hiện hành và dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) có gì khác nhau? Có những điểm gì nổi bật?

Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng: Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) lần này có thể nói là căn cơ, toàn diện và đổi mới. Giữa Luật Tổ chức Tòa án hiện hành và Luật sửa đổi đó là thay đổi cơ bản nhận thức về làm luật.

Thứ nhất, cơ quan Tòa án có chức năng thực hiện quyền tư pháp.

Thứ hai, đổi mới về cơ cấu của hệ thống TAND, chức danh tư pháp trong hệ thống TAND. Có cơ chế bảo vệ Thẩm phán vì Thẩm phán là người thực hiện quyền tư pháp, là người bảo vệ pháp luật thì cũng được pháp luật bảo vệ trong các hoạt động của mình.

Đặc biệt, xác định được vị trí vai trò của Tòa án trong các cơ quan tư pháp nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung.

PV: Thưa Chánh án, ông đánh giá thế nào về việc đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm và TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm của dự thảo Luật tổ chức Tòa án (sửa đổi)?

Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng: Theo dự thảo Luật tổ chức Tòa án (sửa đổi) đang chờ Quốc hội thông qua đó là TAND sơ thẩm được thay thế cho TAND cấp huyện và TAND phúc thẩm được thay thế cho TAND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương là một bước tiến lớn trong công tác xây dựng pháp luật, tên gọi Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm vừa kế thừa các định chế trước đây (theo các Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946), vừa tiếp thu các quy định, chế định của các nước trên thế giới.

Các quy định ở luật tố tụng hiện hành của pháp luật Việt Nam cũng đều quy định là xét xử cấp sơ thẩm và xét xử cấp phúc thẩm. Việc đổi mới tên gọi là hoàn toàn đúng với bản chất của hoạt động xét xử nói chung của các cấp Tòa án.

Ngoài ra, đây cũng là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 27 – NQ/TW, ngày 9 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về đổi mới hoạt động của Tòa án, đảm bảo tính độc lập xét xử, đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án sao cho hoàn thành được vai trò và vị trí của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và thấy được sự thay đổi rất lớn đó là Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm.

Liên quan đến nội dung xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Nghị quyết 27 nêu rõ: Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử.

Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng Tòa án điện tử. Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

PV: Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) có nội dung: Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Chánh án có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng: Theo quy định pháp luật mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Thực tế các bên đương sự, nguyên đơn và bị đơn đều là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đều có khả năng và điều kiện có thể tự mình thu thập, cung cấp chứng cứ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và điều này làm cho vụ án trở nên khách quan. Trong trường hợp Tòa án đi thu thập chứng cứ theo yêu cầu của cả nguyên đơn và bị đơn thì việc xét xử sẽ nghiêng về chứng cứ do Tòa thu thập, như vậy, tính khách quan của vụ án chưa chắc đã được đảm bảo.

Trong thực tiễn áp dụng quy định Tòa án thu thập chứng cứ cho thấy, nếu Tòa án tự mình thu thập chứng cứ có thể dẫn đến việc đương sự đặt câu hỏi: Tại sao lại thu thập tài liệu này mà không thu thập tài liệu khác? Tài liệu, chứng cứ được thu thập, có lợi hay bất lợi cho bên kia, từ đó đương sự nghi ngờ tính khách quan của Thẩm phán, khiếu nại, thậm chí tố cáo Thẩm phán, gây khó khăn, kéo dài cho việc giải quyết vụ án. Do đó Tòa án chỉ nên hỗ trợ các đương sự trong 1 số trường hợp và Tòa án có thể tiến hành thu thập chứng cứ trong những trường hợp đặc biệt, hoặc với những người yếu thế trong xã hội.

Ngoài ra, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành. Các hoạt động tố tụng dân sự trên thế giới, các chứng cứ đều do các bên đương sự xuất trình và Tòa án phán quyết trên cơ sở các tài liệu chứng cứ do các đương sự xuất trình đã được thẩm tra tại phiên tòa.

PV: Thưa Chánh án, trong trường hợp, người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ tại Tòa thì Tòa án sẽ có hướng xác minh như thế nào để đảm bảo tính khách quan?

Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng: Trong trường hợp các bên xuất trình tài liệu, chứng cứ, sẽ có tài liệu cần xác minh, có tài liệu không cần xác minh. Tòa án sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, nếu cần thiết phải xác minh thì Tòa án sẽ xác minh.

Ví dụ: Trong một vụ án đòi nhà cho thuê trước năm 1975, Tòa án phải xác minh tại Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, UBND xã phường nơi có tài sản, trao đổi với UBND quận, huyện để xác minh về nguồn gốc tài sản, quá trình quản lý của Nhà nước đối với tài sản (bất động sản) đang có tranh chấp. Đây đang là tố tụng mà theo quy định của BLTTDS năm 2015, trong những trường hợp này, đương sự trong vụ án ít có khả năng để thu thập được được các tài liệu do cơ quan quản lý nhà nước đã ra quyết định quản lý.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

Mạnh Hùng