Đời sống

Những sạp báo giấy: Níu giữ ký ức một thời vàng son

Đan Hà - Thiên Nhã 20/06/2024 - 06:35

Giữa nhịp sống hối hả của thời đại công nghệ số, những sạp báo hiếm hoi hiện diện trên đường phố TP.HCM là một nỗ lực lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống và cả những hồi ức, hoài niệm về một thời vàng son của báo giấy.

Vang bóng một thời…

Khoảng 10 năm trở về trước, bán báo là một nghề cho thu nhập khá ổn định. Thói quen đọc báo buổi sáng của người dân TP.HCM tạo nên một mạng lưới phát hành báo rộng khắp. Báo từ các công ty phát hành xuống đến đại lý, sạp báo, người bán báo dạo và rải đều cả các bưu cục. Những sạp báo có mặt ở hầu hết các tuyến phố, với đủ loại báo được trưng bày, từ báo ngày, đến báo tuần, báo tháng. Những dịp Tết đến Xuân về, những sạp báo trở nên rực rỡ với hàng trăm tờ báo Xuân được trưng bày đẹp mắt. Người làm báo đi qua, thấy tờ báo của mình được trưng bày, lòng bỗng lâng lâng.

vua-ban-bao-vua-thanh-thoi-doc-bao-nhu-the-nhip-song-hien-dai-khong-cham-den-ong.jpg
Vừa bán báo vừa thảnh thơi đọc báo.

Ngày đó, đâu đâu cũng có những sạp báo lớn nhỏ chật khách ghé mua, báo được giao tới tận nhà cho khách đặt dài hạn. Ở các quán cà phê, khách vừa đọc báo vừa tụ tập trò chuyện, mỗi người mua một tờ quen thuộc, đọc xong thì đổi chuyền tay nhau. Quán nào có sẵn kệ báo, coi như là một điểm cộng thu hút khách. Thời ấy, sạp báo không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi những người cùng sở thích đọc báo gặp gỡ chuyện trò.

Nghề bán báo bận từ nửa đêm trở về sáng. Đa phần báo giấy in đêm, để 1-2 giờ sáng là chuyển đến tay đại lý, đưa về các sạp, phân phối cho người bán lẻ, theo xe đò về các tỉnh. Người bán báo dọn hàng từ tờ mờ sáng để phục vụ những người đi làm sớm, ghé mua tờ báo tranh thủ đọc lúc ăn sáng cà phê. Người bán báo và các sạp báo vô hình chung trở thành người cộng sự thân thiết không thể tách rời của các nhà báo, của các tòa soạn báo.

Sạp báo hơn 50 năm tuổi của bà Dung nằm tại góc đường Kỳ Đồng - Trần Quốc Thảo. Vừa sắp xếp lại những tờ báo, bà Dung vừa hoài niệm: “Tôi bắt đầu bán báo từ khi còn học lớp 4. Thời đó báo ra vào buổi chiều. Sáng tôi đi học, chiều về tôi bắt xe bus đi nhận báo rồi bày báo lên tấm bạt nilon ngồi bán trên vỉa hè tại những nơi trung tâm nhộn nhịp người qua lại. Rồi báo in đêm, người bán báo lại đổi lịch, lại tất bật bận rộn với báo từ sáng sớm. Những năm 80-90, sạp báo gia đình tôi là một trong những sạp báo lớn nhất nhì Sài Gòn với mấy ngàn tờ báo bán ra mỗi ngày. Đến nay, số lượng báo bán ra giảm nhiều lắm, mỗi ngày có khi chưa được chục tờ. Đa phần chỉ toàn những người già là khách quen từ xưa đến mua báo thôi”.

Tuổi đã cao, hàng ngày bà Dung vẫn đều đặn bày báo ra sạp nhỏ trước nhà, không phải vì mưu sinh như thời thơ ấu mà chỉ vì lưu giữ sạp báo gia đình đã theo bà gần cả cuộc đời cùng những người khách quen đều đặn mua báo mỗi sáng.

ngay-ngay-ba-dung-van-deu-dan-bay-sap-bao.jpg
Ngày ngày bà Dung vẫn đều đặn bày sạp báo.

Những sạp báo giấy cuối cùng còn sót lại…

Theo dòng chảy của thời gian, sự phát triển của công nghệ với những trang báo điện tử cập nhật tin tức nhanh chóng và tiện ích dần thay thế cho những tờ báo giấy truyền thống. Những sạp báo ít ỏi, hiếm hoi còn sót lại cũng dần có những đổi thay để tồn tại giữa thời đại công nghệ số.

Trên con đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), sạp báo lớn tấp nập ngày nào nay trở thành tiệm tạp hoá với một số lượng nhỏ báo giấy được bày bán bên cạnh những nhu yếu phẩm khác. Chị Khiết, chủ tiệm tạp hóa chia sẻ: “Tôi bán báo cũng hơn 30 năm rồi nhưng bây giờ phải chuyển sang bán tạp hóa. Vì hiện nay số lượng báo bán được rất là ít, người ta thường xem báo trên mạng thôi.

co-nhung-vi-khach-quen-tu-xua-van-ghe-mua-bao-hang-ngay.jpg
Có những vị khách quen từ xưa vẫn ghé mua báo hàng ngày.

Mở sạp báo vì đam mê đọc báo được truyền lại từ cha, chị Khiết bùi ngùi hoài niệm về những ngày tháng vàng son của báo giấy khi sạp báo của chị là đại lý phân phát báo cho các sạp báo lớn nhỏ trên khắp thành phố: “Tuy thời đó qua rồi, số lượng báo bán được ngày càng ít nhưng tôi vẫn quyết định tiếp tục bán báo. Một phần vì muốn lưu giữ văn hoá đọc báo giấy ngày trước, một phần cũng vì bạn hàng. Có những người mua báo của tôi từ xưa, nay chuyển nơi ở xa nhưng ngày nào đến mua báo. Cũng có những khách hàng mới mừng rỡ khi bắt gặp sạp báo của tôi, vì giờ tìm một nơi mua báo hiếm hoi quá”.

Chạy xe qua những tuyến đường, vốn được coi là thủ phủ bán báo khi xưa như Huỳnh Văn Bánh, Lý Chính Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai... tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy những sạp báo giấy lẻ loi hiếm hoi còn sót lại. Những sạp báo cũ kỹ nhuốm màu thời gian y như chủ nhân của nó, đều là những người mái tóc đã bạc nhiều hơn đen, làn da mồi, bàn tay nhăn nheo nâng niu từng tờ báo. Họ không chỉ là người bán báo, mà còn là người lưu giữ một ký ức đẹp cho bao thế hệ người làm báo.

Dẫu những sạp báo ngày nay chỉ còn tồn tại với số lượng ít ỏi và không còn tấp nập như xưa, nhưng văn hóa đọc báo giấy vẫn luôn tồn tại với một vị trí không thể nào thay thế được trong lòng những người yêu mến và trân trọng giá trị của những tờ báo giấy từng một thuở vàng son.

Đan Hà - Thiên Nhã