Chánh án Lê Thuần Phong: Báo chí đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền pháp luật
“Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng”, đó là khẳng định của Thẩm phán Lê Thuần Phong, Chánh án TAND quận 7 ( TP Hồ Chí Minh), với PV Báo Công lý nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024).
PV: Thưa Chánh án với vai trò là người đứng đầu một đơn vị trong hệ thống Tòa án, ông có chia sẻ gì về vai trò tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp và hệ thống Tòa án nói riêng?
Chánh án Lê Thuần Phong: Theo tôi, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, báo chí ở Việt Nam gồm: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài. Với chức năng là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí cách mạng luôn là vũ khí sắc bén, công cụ truyền thông hữu hiệu; báo chí tác động và ảnh hưởng đến người dân một cách tự nhiên, dễ tiếp nhận, đáp ứng được nhu cầu thông tin của lực lượng đông đảo người đọc.
Thông tin được đưa ra ở nhiều góc độ, nhìn nhận và đánh giá đa chiều. Tùy theo đối tượng độc giả khác nhau, báo chí sẽ đưa ra những hình thức tuyên truyền phù hợp. Việc tuyên truyền pháp luật trên báo chí luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân. Chính vì vậy, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống Toà án nói riêng.
Thông qua báo chí, những tồn tại, bất cập của xã hội được phản ánh kịp thời, góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần hoàn thiện thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong hoạt động mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, trong đó có hệ thống Tòa án.
Thông qua báo chí, truyền thông, nhân dân biết về các hoạt động của Tòa án, biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, tạo ra niềm tin vào công lý. Thông qua báo chí, nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình; kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời cũng để sớm phát hiện những vấn đề bất cập, những nơi vi phạm chủ trương, chính sách và luật pháp để đấu tranh.
Sự giám sát của báo chí đối với hoạt động xét xử của Tòa án có ý nghĩa thiết thực, góp phần biểu dương những Thẩm phán, những phiên tòa xét xử thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật, và ngược lại kịp thời phản ánh những bất cập, sai sót để Tòa án điều chỉnh kịp thời.
PV: Chánh án có thể chia sẻ việc đơn vị mình đã tạo điều kiện như thế nào cho các nhà báo khi tác nghiệp tại phiên tòa?
Chánh án Lê Thuần Phong: Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của báo chí, truyền thông, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nhất là trong thực hiện cải cách tư pháp, TAND quận 7 luôn tạo điều kiện để các Nhà báo tác nghiệp một cách thuận tiện và hiệu quả nhất. Các phiên tòa dư luận quan tâm, phiên tòa rút kinh nghiệm được các các cơ quan báo chí thông tin chính là giúp chúng tôi để nâng cao chất lượng phiên tòa, chất lượng tranh tụng.
Bởi vì, ngoài chức năng xét xử, giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật, hoạt động xét xử của Tòa án còn có một mục đích khác, đó là thông qua hoạt động xét xử để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, nhiều cơ quan báo chí tham gia tác nghiệp tại Tòa án đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao. Hoạt động của truyền thông tại các phiên tòa hay trong các hoạt động tố tụng không chỉ nhằm đưa tin tới công chúng mà còn giúp cho hoạt động tố tụng được thực hiện đúng đắn, nhân văn hơn rất nhiều.
PV: Để việc tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp có hiệu quả, đơn vị đã có sự phối hợp, triển khai cụ thể thế nào với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng?
Chánh án Lê Thuần Phong: Việc tuyên truyền pháp luật và đóng góp cho công cuộc cải cách tư pháp có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của hệ thống Tòa án.
Đối với Báo Công lý, cơ quan báo chí của hệ thống Tòa án, từ trước đến nay, chúng tôi luôn duy trì sự phối hợp tích cực, có hiệu quả. Bên cạnh những hoạt động đưa tin về các phiên toà công khai theo quy định của pháp luật, các sự kiện quan trọng của đơn vị như Hội nghị tổng kết công tác năm, triển khai nhiệm vụ và phương hướng thời gian tới; Hội thảo, Tọa đàm khoa học về sự phối hợp liên ngành, các cuộc thi văn nghệ thể thao… cũng đều được Báo Công lý kịp thời đưa tin, bài phản ánh. Nhiều trang báo đã kịp thời giới thiệu, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những Thẩm phán giỏi được vinh danh…
Trong công tác tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp, mối quan hệ giữa Báo chí (trong đó có báo Công lý) và Tòa án là quan hệ tương tác, phối hợp; Tòa án tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời cho báo chí; báo chí phản ánh kịp thời hoạt động của Tòa án; nhất là những đơn vị Tòa án có cách làm hay, hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
PV: Chánh án có mong muốn gì với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng trong việc tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp trong thời gian tới?
Chánh án Lê Thuần Phong: Chức năng, nhiệm vụ chính của Tòa án là xét xử; hoạt động của Tòa án còn có ý nghĩa tuyên truyền pháp luật. Các phóng viên tham gia tác nghiệp cũng đóng góp cho mục đích tuyên truyền pháp luật đạt được hiệu quả cao hơn. Thông qua báo chí, người dân được thông tin đầy đủ hơn về hoạt động của Tòa án, quy trình đi đến một quyết định, bản án; từ đó tạo nên niềm tin vào công lý.
Bên cạnh đó, báo chí còn có vai trò quan trọng đóng góp tích cực vào việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án và qua hoạt động của mình, báo chí phát hiện những bất cập, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo của các văn bản pháp luật; phát hiện những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt TAND quận 7, kính chúc các đồng chí Lãnh đạo, Ban Biên tập và Phóng viên Báo Công lý lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các anh chị luôn giữ vững ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!